Triệu Con Tim

Reading: Ý NGHĨA & CÁC TIÊU ĐIỂM VỀ LUẬT NHÂN QUẢ
Share
Aa

Triệu Con Tim

Aa
Search
Have an existing account? Sign In
Follow US
So1.co Sites > Triệu Con Tim > Giáo dục > Ý NGHĨA & CÁC TIÊU ĐIỂM VỀ LUẬT NHÂN QUẢ
Giáo dục

Ý NGHĨA & CÁC TIÊU ĐIỂM VỀ LUẬT NHÂN QUẢ

Kai
Kai May 23, 2022
Updated 2022/05/28 at 9:25 PM
Share
SHARE

Ý NGHĨA & CÁC TIÊU ĐIỂM VỀ LUẬT NHÂN QUẢ
– PHẦN 1

(Trích: Phật Học Tinh Yếu
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm)

Nhân Quả là gì? Nhân là nguyên nhân, Quả là kết quả, nguyên nhân gây thế nào, kết quả ra thế ấy. Người xưa đã bảo: “Muốn làm việc gì, trước phải bình tĩnh nghĩ đến kết quả về sau của nó”. Nếu mỗi Phật tử biết lấy câu này làm điều tâm niệm, tất sẽ tránh được nhiều lỗi lầm thất bại trên đường đạo cũng như đường đời.
Nói theo lối khác, Nhân là hạt giống, Quả luận với tánh cách rộng hơn, là hoa trái. Gieo trồng hạt giống thuộc hoa trái nào, tất sẽ được hoa trái ấy. Tuy nhiên, luật nhân quả vốn đan xen rất phức tạp, như một khu vườn đồng thời trồng xen kẽ nhiều loại cây quả khác nhau, quả ngọt cũng có mà quả độc cũng có, rốt cục sẽ thu hoạch như thế nào, không hề dễ phân định.
Một số người mới tu, hiểu Đạo không sâu, một phương diện thì ăn chay, tụng kinh, trì chú, phương diện khác lại sát sanh, gian xảo, lường gạt; hay chỉ biết làm lành, cúng dường, bố thí bên ngoài, nhưng không biết dứt trừ tâm niệm tham lam, ích kỷ, tật đố, si mê, độc ác bên trong. Một đàng tu thiện, một đàng tạo ác như thế, nghiệp thì dễ tạo, phước lại khó tu, lấy công trừ tội sợ e không đủ, làm sao tiêu giải oan kết cho được? Những kẻ gây hạnh nghiệp như thế, khi bị quả báo rồi trở lại trách Phật, Bồ Tát sao không cứu, trách kinh chú sao không linh nghiệm, chẳng hóa ra là sai lầm lắm ư?

Nhân tiện lại xin bàn thêm một việc, trong giới Phật tử có hai hạng người: Một hạng thuần tín ngưỡng, chỉ cực đoan nương tựa nơi tha lực, tức là cầu sự giúp đỡ của chư Phật, Bồ Tát, không kiểm điểm sửa đổi tâm hạnh của mình. Một hạng duy y cứ nơi tự lực, cho rằng mình làm lành sẽ được kết quả lành, không cần sức giúp đỡ của chư Phật, Bồ Tát, nghĩa là không ỷ lại nơi tha lực. Cả hai quan niệm đó đều sai lầm.
Về hạng trước, tuy chư Phật, Bồ Tát có bi tâm, bản nguyện cứu độ chúng sanh; nhưng ít nữa hành giả phải tự lực cố gắng một phần nào, sự giúp đỡ ấy mới có công hiệu, nếu chẳng thế thì các hiền thánh cũng đành không phương cứu trợ. Ví như một sinh viên thường siêng năng cố gắng chăm học, thầy bạn mới có thể chỉ bảo giúp đỡ thêm được; nếu mãi biếng nhác lêu lõng, thì cha mẹ sư hữu cũng vô kế khả thi. Cho nên Tịnh Độ tông và Mật tông tuy thuộc về tha lưc pháp môn, nhưng muốn đạt được kết quả, hành giả cần phải cố gắng nhiều trên phương diện tự lực như giữ giới, trau dồi phẩm hạnh.
Về hạng sau, tuy tự lực của mình là cần thiết, nhưng cũng cần có tha lực hộ trì mới mau đạt được kết quả. Ví như một học sinh tuy siêng năng chăm chỉ, nhưng nếu được thầy hay bạn tốt thường giúp đỡ, thì sự học sẽ tăng tiến biết bao nhiêu! Vì thế, nên Thiền tông tuy chú trọng về tự lực, nhưng vì sợ hành giả khó giữ tâm trước cảnh ngũ ấm ma, cho đến bậc phá trừ Tưởng ấm chứng quả A Na Hàm, trong một giây phút sơ hở còn có thể bị thiên ma làm cho sa đọa, nên đức Phật ân cần khuyên phải trì chú Lăng Nghiêm để nhờ sự hộ trì của tha lực.
Lại vì e bậc A la hán ở yên nơi cảnh hóa thành mà quên đến miền bảo sở, chỉ lo tự độ mà chán việc lợi tha, đức Thế Tôn mới khuyến tấn, quở là giống khô mộng héo. Cho đến bậc Bồ Tát khi chứng lên ngôi Bất động địa, thấy thế giới mười phương như huyễn, lặng lẽ tợ không hoa, thường sanh quan niệm an trụ nơi tịch tĩnh. Ðức Như Lai e hành giả đại thừa say chìm trong cảnh đó, nên hiện thân khuyến tấn nhắc cho nhớ lại bản nguyện độ sanh, để đương nhân tiến lên cực quả.
Vậy Thiền tông đâu phải không cần đến tha lực? Cho nên gọi đạo Phật là tôn giáo hay phi tôn giáo, thần quyền hay phi thần quyền, đều không đúng. Phật giáo là Phật giáo, là toàn thể pháp giới, gồm đủ mọi mặt.
Sở dĩ có đoạn trên đây, là bút giả muốn khuyên nhắc sự sai lầm của những hành nhân duy biết ỷ lại vào tha lực mà quên việc nhân quả tiến tu của mình. Và một hạng người cầu cao, chỉ y cứ nơi nhân quả của tự lực mà khinh thường sự kiện hữu ích rất cần thiết của tha lực.

Trở lại phần chính của bài này, về phương diện nghiệp nhân, trong kiếp sống, loài hữu tình khi gây Nhân có ba điều khái yếu: Phước nghiệp, Phi phước nghiệp và Bất động nghiệp.
Phước nghiệp là những nhân lành như kính thờ Tam Bảo, bố thí, phóng sanh…
Phi phước nghiệp là những nhân ác, như khinh báng Tam Bảo, bất hiếu với song thân, cùng những điều giết, trộm, dâm, vọng…
Bất động nghiệp là những nhân thiền định, như thế gian thiền, ngoại đạo thiền, xuất thế gian thiền…
Ba nghiệp nhân trên phát sanh từ thân, ngữ, ý. Nhân lành của thân là giữ những giới không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, đoan chính trong các oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, mắt không đắm sắc, tai không nhiễm thanh…
Nhân lành của ngữ là không nói dối, không nói thêu dệt, không nói đôi chiều, không nói thô ác, không nói vô ích, không nói lời hí hước, không khen mình chê người, thường dẫn chuyện nhân quả với tánh cách nêu gương để khuyên nhắc kẻ khác.
Nhân lành của ý là không tham lam bỏn sẻn tật đố, không giận dữ hờn oán sâu độc, không si mê tà kiến. Nếu thân, ngữ, ý không làm những việc như trên, lại tạo thêm các điều thiện, gọi là ba nghiệp lành. Trái lại, là ba nghiệp ác. Tóm tắt, về phần “Nhân”, nơi phát sanh không ngoài thân, ngữ, ý, và chỗ tạo tác không ngoài Phước, Phi phước cùng Bất động nghiệp.
Theo lời Phật dạy, trong ba nghiệp, khẩu nghiệp dễ tạo hơn cả. Người xưa đã bảo “Ða ngôn đa quá”, nghĩa là “nhiều lời tất nhiều lỗi”. Vì thế người tu nên ít nói, và khi thốt ra lời gì phải dè dặt suy nghĩ kỹ. Bởi khi nói nhiều, ta không thể kiểm soát hết lời nói của mình, như thế làm sao cho khỏi điều lầm lỗi; đôi khi gây sự phiền muộn cho kẻ khác mà ta không hay.
Thuở xưa, ngài Mục Kiền Liên ngồi thiền định trong rừng, thấy một vị thần, thân thể đoan nghiêm phát ánh quang minh, nhưng nơi miệng lại tuôn ra máu mủ vòi tửa, bay mùi hôi khó chịu. Sáng ra, ngài đem việc ấy bạch Phật.
Ðức Thế Tôn bảo: “Vị thần đó, tiền thân là một Tỷ khưu, bởi giữ thân nghiệp thanh tịnh, nên sắc tướng đoan nghiêm có ánh quang minh; nhưng vì không khéo gìn khẩu nghiệp, thường buông lời thô lỗ, khen mình chê mắng người, nên nơi miệng mới có những ác tướng như thế”.

Nếu trong ba nghiệp, khẩu nghiệp đã dễ tạo, thì ý nghiệp lại có năng dụng mạnh hơn cả. Phàm phu chỉ có thể kiểm soát tâm niệm thô của mình, song không thể kiểm soát tâm niệm tế. Ngài Di Lặc Bồ Tát khi nhập định, dùng trí huệ cực thanh tịnh sáng suốt, thấy mỗi chúng sanh trong một sát na có đến ba mươi sáu muôn ức niệm vi tế, mỗi niệm biến mỗi hình, niệm lành biến tướng lành, niệm dữ biến tướng dữ.
Ðiều này nhắc cho ta nhớ, người tu không những giữ gìn nhân quả nơi thân, khẩu, mà còn phải dè dặt nhân quả trong mỗi tâm niệm. Nếu thờ ơ để cho tâm xấu thường nổi lên, khi dồn chứa lâu ngày, nó có đủ năng lực sai sử ta làm việc quấy, và chịu thân ác thú trong tương lai.
Cho nên khi ta khởi một niệm ác, tuy người ngoài không biết, song mình biết, quỉ thần biết; còn những bậc thánh đắc đạo thì thấy rõ ràng như nhìn các làn chỉ trong bàn tay, hay nhìn bóng hiện trong gương sáng. Mình biết, thì lương tri tự khiển trách làm cho hổ thẹn hối hận không yên. Quỉ thần biết, thì phẫn nộ quở phạt. Chư Phật, Bồ Tát khi biết dù xót thương không làm tổn hại, song kẻ gây nhân tất phải chịu quả, chẳng thế nào tránh khỏi.
Từ hành vi đến tâm niệm của ta, sự phản ứng của luật nhân quả mỗi mỗi đều rất công minh. Cho nên tiên hiền đã bảo: “Quả báo của việc lành dữ như bóng theo hình. Khi khởi một niệm lành, tuy phước chưa đến mà thiện thần đã đến. Lúc sanh một niệm dữ, tuy họa chưa tới mà ác quỷ đã theo”. Mấy lời này rất phù hợp với lý nhân quả của đạo Phật.
________________

Quang Tử
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật !

Kai May 23, 2022
Share
Leave a comment

Leave a Reply Cancel reply

You must be logged in to post a comment.

Recent Posts

  • Những “điểm cộng” từ cộng đồng mạng dành cho tân Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 Nguyễn Thị Ngọc Châu
  • Đỗ Nhật Hà kém duyên khi đeo vương miện HHHV tự chế, CĐM chê trách vì thiếu tôn trọng với Ngọc Châu
  • “Tiểu Long Nữ sai trái nhất màn ảnh” bị nhầm tưởng là Lý Mạc Sầu bây giờ ra sao?
  • CDM phản ứng mạnh trước giọng nói “chua lè” của Lệ Nam trong đêm Chung kết HHHV, chính chủ chống chế, viện lỗi do điều này
  • 10 loại đồ ăn nổi tiếng ở một quốc gia này nhưng xuất xứ từ một đất nước khác

Recent Comments

No comments to show.

Removed from reading list

Undo
Welcome Back!

Sign in to your account

Lost your password?