🕉 TU HÀNH THEO PHẬT PHÁP LÀ GÌ? CÓ KHÓ KHÔNG?🕉
Chắc hẳn không ít người trong chúng ta từng nghĩ rằng, tu hành là một việc gì đó rất khó khăn, vất vả thậm chí là cao siêu mà chỉ có các vị sư xuất gia, các vị đức cao vọng trọng mới làm được chứ mình nghiệp dày phước mỏng làm sao có thể tu hành.
Nếu quý vị nào đang có lối suy nghĩ này thì quý vị đang tự đẩy mình xa rời Phật Pháp, tự mình cắt đứt sợi dây duyên lành với Tam Bảo. Thật đáng buồn thay.
Thưa quý vị, Đạo Phật là đạo dành cho tất cả chúng sinh, không phân biệt già, trẻ, nam, nữ, cao, thấp sang, hèn…ai ai cũng có thể tu tập theo Phật Pháp một cách linh hoạt, thậm chí súc sinh cũng có thể tu hành. Vậy thì sao có thể nói đạo Phật chỉ dành cho những bậc đức dày phước lớn, suy nghĩ như vậy há chẳng phải đang nói Đạo Phật là bất công bằng hay sao?
Không, Đạo Phật rất công bằng, Đạo Phật lấy từ bi làm gốc, lấy giới luật làm thầy, chúng ta chỉ cần mở lòng từ bi, giữ giới thanh tịnh là chúng ta đang tu hành theo Phật rồi, bất kể chúng ta là ai.
🕉 VẬY TỪ BI LÀ GÌ?
Từ bi là thương tất thảy chúng sinh như con, thể hiện bằng hành động nhỏ nhặt hàng ngày thôi, không phải là bảo vệ hòa bình thế giới, cứu cả nhân loại mới là từ bi.
Khi chưa tu, thấy con gián, con kiến trong phòng là ta nổi điên tìm ngay đôi dép hoặc bình xịt côn trùng kết liễu chúng ngay cho hả dạ, cho đỡ ghê, khi tu rồi ta phải biết thương chúng vì chúng cũng là sinh linh tham sống sợ chết như ta, thấy ta bước đến chúng cũng tìm cách chạy trốn, sợ hãi tột cùng, tìm cách ẩn náu, cớ sao ta nỡ giết chúng đau đớn như vậy.
Ta phải biết rằng phòng có gián, có kiến là do ta không giữ vệ sinh sạch sẽ nên chúng đến tìm thức ăn, chúng ngu si đâu biết đấy là nhà ta, vì miếng ăn mà chúng phải đi vào, để rồi ta giết hại chúng không một chút động lòng, há chẳng phải là quá ác độc hay sao? Như thế sao gọi là từ bi mà đã lo nghĩ đến việc cao siêu gì khác.
Khi muỗi cắn ta chắc hẳn nhiều người sẽ không suy nghĩ gì mà sẵn sàng giơ tay lên kết liễu mạng sống nó trong tích tắc, lỡ đánh trượt, nó bay đi mất ta còn bực tức đánh với theo, truy cùng diệt tận cho bằng được mới hả dạ.
Vậy thử hỏi từ bi ở đâu? khi mà hàng ngày chúng ta vẫn hô hào hiến máu cứu người, nào là “một giọt máu cho đi một cuộc đời ở lại” vậy cớ sao ta không nỡ lòng cho chú muỗi tội nghiệp 1/20 giọt máu của mình để nó được sống. Cớ sao cứ phải giết nó đau đớn không toàn thây như vậy ta mới an tâm đi ngủ. Thế sao gọi là từ bi, ta tu từ những việc nhỏ nhặt như vậy thôi, đâu cần cao xa, xây cầu, làm đường, cứu người khốn khó mới là từ bi.
Khi gắp miếng thịt lên ta hãy nghĩ đến những chú lợn, chú gà tội nghiệp đã chịu vô vàn đau đớn thống khổ để làm thức ăn cho ta. Dê, chó, lợn, gà…. tuy là loài vật nhưng tâm lý tham sống sợ chết so với chúng ta cũng không khác biệt.
Hãy xem như nhà kia nuôi lợn, vừa chịu giá bán cho đồ tể, con lợn ấy liền rơi lệ bỏ ăn. Tuy miệng không thể nói ra lời, nhưng trong lòng đã biết mạng sống mình chẳng còn được bao lâu. Thế cho nên đến lúc bị người dùng dây buộc liền kêu gào chấn động, bị lôi dắt ra khỏi cửa thì run rẩy kinh hoàng.
Người đồ tể bước đi một bước là một bước hãi hùng đối với con lợn ấy. Trên đường gặp được người nào cũng đều hết lòng trông mong được người ấy cứu mạng. Cho đến khi đã vào lò mổ, thấy người đồ tể xắn tay áo vung dao hướng đến thì lớn tiếng kêu thét lên. Nhưng kêu với trời cũng chẳng thể lên trời, khóc với đất cũng không chui được vào đất. Nhìn phải nhìn trái, không có ai là người không muốn giết hại mình. Ngó trước ngó sau, toàn là những dụng cụ để giết hại mình.
Chỉ trong chốc lát bị vật ngửa trên sàn, dao sắc đã rạch sâu vào bụng. Lúc bấy giờ như dầu sôi đổ trên đỉnh đầu. Lúc bấy giờ như ngàn vạn mũi kích cùng xuyên thấu tim gan. Tiếng kêu thê thảm đau thương cùng cực rồi chuyển sang lịm tắt dần, mắt vội nhắm nghiền vì máu tuôn lai láng.
Những nỗi đau đớn khổ sở như thế thật không thể nói hết. Đã không thể nói hết, còn nỡ lòng nào nói đến nữa sao! Than ôi, con lợn ấy đời trước làm người, lẽ nào không có mẹ cha trân quý, xem như chân tay, sao bây giờ người đầu bếp xem khinh thịt xương nó như bùn cát? Lẽ nào không có vợ con thương yêu, xem như tâm phúc, sao bây giờ người đồ tể xem mạng sống nó như cỏ rác?. Nghĩ đến đó há chẳng lẽ chúng ta không khởi lòng từ bi mà thương nó sao.
Tu là như thế đó, là đau cùng nỗi đau của chúng sinh, khổ cùng nổi khổ của chúng sinh, vui mừng khi chúng sinh hạnh phúc, rơi lệ khi chúng sinh lầm than đau khổ, vậy mà xưa nay ta cứ nghĩ tu là thứ gì đó xa vời tận đẩu tận đâu ta không thể nào với tới.
🕉 VẬY CÒN GIỚI LUẬT LÀ GÌ?
Đối với cư sĩ tại gia ta chỉ cần giữ 5 giới của Phật là: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nghiện ngập, không nói dối – nói lưỡi hai chiều – nói lời hung ác.
🕉 VẬY TA CÓ THỰC HIỆN ĐƯỢC KHÔNG?
✔ Không sát sanh, như đã nói ở trên ta có thể làm được dễ dàng thôi. Nếu như không thể ăn chay trường ta có thể linh hoạt ăn chay ngày rằm, mồng một, nếu hơn nữa thì ta ăn chay ngày thập trai (1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29, 30). Đạo Phật không bắt ép ta phải ăn chay trường, mà ta có thể linh hoạt chọn ngày ăn chay, không nên cứng nhắc là tôi phải ăn chay trường thì tôi mới tu, còn không ăn chay được thì tôi thà không tu còn hơn. Suy nghĩ như vậy là bạn đang tự cắt đứt con đường tu của mình rồi. Rồi tương lai bạn sẽ đi về đâu?
✔ Không trộm cắp là gì: Là ta không lấy bất cứ vật gì không phải là của ta. Bất kể những vật nhỏ nhặt như cây kim, cái bút muốn lấy ta cũng phải hỏi chủ nhân một câu… Đây là lẽ dĩ nhiên ở đời, người không có đạo không tu hành vẫn phải giữ phép đạo đức tối thiểu này, ta là người tu hành là một Phật tử chẳng lẽ ta lại không làm được như họ ư? Vậy có đáng hổ thẹn hay không?.
✔ Không tà dâm: Nghĩa là không quan hệ bất chính với người không phải là vợ chồng, không xem văn hóa phẩm đồi trụy, không thủ dâm, không quan hệ tại những chỗ bất chính như nhà bếp, nhà vệ sinh, nơi công cộng hay những chỗ linh thiêng như chùa chiền, miếu mạo…. Đây là những điều mà xã hội hàng ngày vẫn lên án, là vi phạm thuần phong mỹ tục, không chỉ là Phật tử mà ai ai sống trên đời cũng phải tuân thủ quy tắc đạo đức tối thiểu này. Vậy chẳng lẽ bạn lại không làm được?
✔ Không nghiện ngập: Nghiện ngập là nghiện rựơu, bia, thuốc lá và các chất kích thích khác như ma túy, thuốc phiện…. Đây là những chất tàn phá sức khỏe, hủy hoại thể xác chúng ta từng ngày, nếu như chúng ta không giữ thì chúng ta đang tự đào mồ chôn mình. Không phải chúng ta mà tất thảy ai là con người trên Trái Đất này cũng cần phải tránh xa những thứ độc hại đó. Hiển nhiên là chúng ta tự biết mà tránh xa chúng đúng không?
✔ Không nói dối – nói lưỡi hai chiều – nói lời hung ác: Tục ngữ ông cha ta có câu: “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang – Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe” hay “Lời nói chẳng mất tiền mua – Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” là ngụ ý nhắc nhở con cháu rằng phải cẩn thận trong lời ăn tiếng nói, một lời nói thốt ra có thể véo von lảnh lót, trong veo như tiếng chim ca làm vui cho đời nhưng cũng có những lời nói như hàng ngàn mũi tên hòn đạn phá nát cả giang sơn.
Ông cha ta ngày xưa chân lấm tay bùn có thể không biết đến Phật Pháp là gì nhưng vẫn khuyên con cháu mình những bài học quý giá như vậy. Bây giờ chúng ta có ăn có học, lại có phước lành được ánh sáng Phật Pháp chiếu soi, há chẳng lẽ chúng ta không làm được như những lời dạy của người đi trước, liệu chúng chúng ta có tự hổ thẹn với lòng mình hay không? Câu hỏi này tôi để các bạn tự chiêm nghiệm, tự trả lời.
🙏 NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT 🙏
🙏Mong rằng ngày càng nhiều người tin hiểu Phật Pháp, cải ác tùng thiện, tăng trưởng duyên lành với Tam Bảo🙏
Thiện Duyên – Tài liệu tham khảo: “AN SĨ TOÀN THƯ – VẠN THIỆN TIÊN TƯ – KHUYÊN NGƯỜI TRỪ BỎ SỰ GIẾT HẠI! – QUYỂN HAI: NHỮNG LỜI KHUYÊN VỀ NHÂN QUẢ”