THẾ NÀO LÀ NIỆM PHÁP
Đại Bồ Tát suy nghĩa giáo pháp của chư Phật nói ra rất vi diệu hơn tất cả. Do pháp này có thể làm cho chúng sinh đặng quả hiện tại, chỉ có chánh pháp này không thuộc thời gian, pháp nhãn ngõ thấy, nhục nhãn không thấy được, chẳng thể dùng thí dụ để so sánh.
Chánh Pháp này chẳng sinh, chẳng xuất, chẳng trụ, chẳng diệt, không thỉ, không chung, vô vi, vô số, kẻ không nhà thời làm nhà cho họ, kẻ không chỗ về thời làm chỗ về, không ánh sáng thời làm ánh sáng, không đến bờ kia thời làm cho đến bờ kia, chỗ không mùi thơm thời làm mùi thơm vô ngại, kẻ không nhìn thấy thời làm cho nhìn thấy rõ ràng.
Chánh pháp này chẳng động, chẳng chuyển, chẳng dài, chẳng ngắn, dứt hẳn sự vui mà thường an vui rốt ráo vi diệu, chẳng phải sắc đã dứt sắc, chẳng phải thức mà cũng là thức, chẳng phải nghiệp đã dứt nghiệp, chẳng phải kiết sử đã dứt kiết sử.
Chẳng phải vật đã dứt vật mà cũng là vật; chẳng phải giới đã dứt giới mà cũng là giới; chẳng phải hữu đã dứt hữu mà cũng là hữu; chẳng phải nhập đã dứt nhập mà cũng là nhập; chẳng phải nhân đã dứt nhân mà cũng là nhân; chẳng phải quả đã dứt quả mà cũng là quả; chẳng phải hư, chẳng phải thiệt dứt tất cả thiệt mà cũng là thiệt; chẳng phải sinh chẳng phải diệt, dứt hẳn sinh diệt mà cũng là diệt; chẳng phải tướng chẳng phải phi tướng, dứt tất cả tướng mà cũng là tướng; chẳng phải dạy dỗ , chẳng phải không dạy dỗ mà cũng là thầy dạy; chẳng phải sợ chẳng phải an dứt tất cả sợ mà cũng là an; chẳng phải nhẫn chẳng phải không nhân, dứt hẳn sự chẳng nhẫn mà cũng là nhẫn; chẳng phải dừng ở chẳng phải không dừng ở, dứt tất cả dừng ở mà cũng là dừng ở trên đỉnh tất cả pháp.
Chánh pháp này đều có thể dứt hẳn tất cả phiền não, thanh tịnh vô tướng, thoát hẳn các tướng, là chỗ ở rốt ráo của vô lượng chúng sinh. Có thể diệt tất cả ngọn lửa sinh tử, là chỗ đi và ở của chư Phật, là thường còn chẳng biến đổi. Đây gọi là Bồ Tát niệm Pháp.
KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN