SAO GỌI LÀ XUẤT THẾ GIAN
Tại sao gọi đó là xuất thế gian ư ?
Nầy Hư Không Tạng ! Ngũ thọ ấm gọi là thế gian. Bồ Tát khéo phân biệt ngũ ấm, quán nó vô thường nhẫn đến như tánh Niết bàn rồi, biết trong Đạo ấy không có thế gian và pháp thế gian, biết Đạo ấy là vô lậu là xuất thế gian không có buộc dính, Đây gọi là xuất thế gian. Đây gọi là Bồ Tát Đạo vậy.
Còn nữa, nầy Hư Không Tạng ! Đạo ấy, đó là như thiệt cầu tất cả các pháp phân biệt lựa chọn mà chẳng thấy tất cả các pháp nối nhau chứa nhóm, không có hai không có khác, nên gọi là Đạo.
Đạo ấy không có ghét thương, vì không có ghét thương nên gọi là bình đẳng, vì tư duy quan sát các thừa khác nên gọi là rộng lớn, vì bỏ lìa siểm khúc nên gọi là ngay thẳng, vì bỏ lìa tâm gian dối nên gọi là không có gian, vì dứt trừ các cái chướng nên gọi là không có buộc trói trệ ngại, vì bỏ lìa quan niệm dục tham sân hại nên gọi là không có bụi dơ, vì chẳng thọ nhận sắc, thanh, hương, vị, xúc nên gọi là an vui, vì bỏ lìa phiền não chúng giặc nên gọi là vô úy, vì có thể đến Niết bàn nên gọi là xuất yếu, vì thành tựu định tịch tĩnh nên gọi là thanh tịnh thủy huệ, vì khéo hiểu biết nên gọi là thường sáng, vì khéo tu tâm từ nên gọi là vui mát, vì chẳng bỏ đại bi nên gọi là tiến không nhàm, vì thường hành hỷ nên gọi là vui vẻ, vì thành tựu tâm xả nên gọi là không có lầm lỗi, vì thuận pháp tứ nhiếp nên gọi là giàu lớn, vì thành tựu sức thí món ăn Ba la mật nên được Nhứt thiết trí biện tài, vì được chư Phật khéo hộ trì nên gọi là qua khỏi pháp hành tứ ma, vì chẳng bỏ bổn nguyện nên gọi là tiến không trệ ngại, vì vượt qua dòng các phiền não nên gọi là vô thượng, vì tất cả thế gian không có gì có khả năng hàng phục được nên gọi là không có đối đáp.
Đạo ấy thành tựu các công Đức như vậy và vô lượng công đức khác. Tất cả Bồ Tát Đại Sĩ do thừa Đạo ấy nên có thể qua lại giáo hóa vô lượng chúng sanh, đây là trang nghiêm.
Không có phiền não mà hiện vào phiền não, đây là trang nghiêm.
Quán vô sanh mà chẳng chứng thiệt tế, đến môn không vô tướng vô tác mà hay giáo hóa những chúng sanh hành các kiến, các tướng, các nguyện, đây là trang nghiêm.
Hiện nhập Thanh Văn, Duyên Giác Niết bàn mà chẳng bỏ sanh tử, đây là trang nghiêm.
Hiện thọ sanh các loài mà chẳng động pháp tánh, hiện nói tất cả ngôn giáo mà chẳng động vô ngôn, đây là trang nghiêm.
Hay hiện tất cả Phật sự mà chẳng bỏ Bồ Tát hạnh, đây là trang nghiêm.
Đây là Bồ Tát Đại thệ trang nghiêm, Đại thừa trang nghiêm và Đạo trang nghiêm vậy.
Bồ Tát dùng Đại thệ trang nghiêm để tự trang nghiêm nên có thể thừa Đại thừa thuận xuất thế gian thánh Đạo, dầu chưa được Nhứt thiết trí mà vì chúng sanh có thể hiện làm Phật sự.
KINH KHUYẾN PHÁT CHƯ BỒ TÁT TRANG NGHIÊM BỒ ĐỀ