QUÁN THÂN
Bồ Tát ấy quán thân tu thân hành, thấy các thân quá khứ, vị lai, hiện tại điên đảo hoà hiệp. Như các vật ngoài những tường vách, ngói đá, cỏ cây theo nhơn duyên mà có chẳng thể trưởng dưỡng không có chỗ hệ thuộc.
Thân nầy theo nhơn duyên sanh chẳng thể trưởng dưỡng không có hệ phược cũng như vậy.
Trong ấm giới nhập ấy, ngã và ngã sở rỗng không, thường và vô thường rỗng không. Thân ấy không có ngã và ngã sở. Thân ấy chẳng vững bến chẳng thể dựa nhờ. Nên cầu thân Bồ đề Chánh giác.
Thế nào là thân Bồ đề Chánh giác?
Đó là pháp thân, là thân kim cương, thân chẳng thể hư hoại, là thân vững chắc, là thân ra khỏi tam giới. Thân nầy của ta dầu có vô lượng tội lỗi nhưng ta nguyện sẽ trừ diệt thành thân Như Lai. Bồ Tát ấy sở dĩ kiên nhẫn ở lâu nơi thân tứ đại các kiết khổ hoạn là vì lợi ích chúng sanh vậy.
Như sự vật ngoài, những thứ tứ đại địa thuỷ hoả phong các thứ pháp môn, các thứ sở tác, các thứ hình mạo, các thứ khí vật, các thứ sở dụng đều vì lợi ích tất cả chúng sanh. Nay thân ta vì lợi ích chúng sanh cũng như vậy.
Đại Bồ Tát thấy sự lợi ích lớn như vậy rồi, quán thân các sự khổ não mà chẳng sanh nhàm lìa, quán thân vô thường mà chẳng nhàm sanh tử, quán thân vô ngã mà chẳng bỏ giáo hoá, quán thân tịch diệt mà chẳng theo nơi xả. Bồ Tát ấy lúc quán nội thân chẳng sanh phiền não, lúc quán ngoài thân cũng chẳng sanh phiền não. Bồ Tát ấy rời lìa thân nghiệp đen nhơ mà thành thân nghiệp trắng sạch, có đủ diệu tướng để tự trang nghiêm, ở trong nhơn thiên có nhiều lợi ích. Đây gọi là Bồ Tát quán thân mà tu thân hành.
– Kinh Vô Tận Ý sở thuyết bất khả tận nghĩa chương cú pháp môn