NIẾT BÀN HẠNH BỒ TÁT HẠNH
Lúc ấy trong Đại chúng có một Bồ Tát tên là Bửu Đức hỏi Hư Không Tạng Bồ Tát :
– Bạch Đại Sĩ ! Ngài đã tu xuất thế gian thành đạo này rồi chăng ?
Hư Không Tạng Bồ Tát nói :
– Đã tu, thưa Đại Sĩ.
Bửu Đức Bồ Tát hỏi :
– Ngài tu thế nào ?
Hư Không Tạng Bồ Tát nói :
– Như được thanh tịnh Đạo, tôi tu như vậy.
Bửu Đức Bồ Tát hỏi :
– Thế nào là thanh tịnh Đạo ?
Hư Không Tạng Bồ Tát nói :
– Thưa Đại Sĩ ! Vì ngã tịnh nên Đạo tịnh.
Bửu Đức Bồ Tát hỏi :
– Thế nào là ngã tịnh ?
Hư Không Tạng Bồ Tát nói :
– Như tam thế tịnh.
Bửu Đức Bồ Tát hỏi :
– Thế nào là tam thế tịnh ?
Hư Không Tạng Bồ Tát nói :
– Sắc thuở quá khứ tịnh vì sắc bổn tế không có đến vậy. Sắc thuở vị lai cũng tịnh vì sắc vị lai không có đi vậy. Sắc thuở hiện tại cũng tịnh vì sắc hiện tại không trụ vậy. Đây là tam thế tịnh.
Thọ tưởng hành nhẫn Đến thức cũng như vậy.
Nầy Đại Sĩ ! Vì thế trong tam thế tịnh nên ngã tịnh. Vì ngã tịnh nên gọi là Đạo tịnh.
Bửu Đức Bồ Tát hỏi :
– Thưa Đại Sĩ ! Đạo tịnh như vậy hay làm được gì ?
Hư Không Tạng Bồ Tát nói :
– Hay làm đại trí huệ quang minh. Do sức trí huệ minh ấy nên có thể biết tất cả pháp quá khứ và vị lai tế.
Bửu Đức Bồ Tát lại hỏi :
– Sao gọi là pháp quá khứ vị lai tế ?
Hư Không Tạng Bồ Tát nói :
– Tất cả pháp quá khứ tế vô sanh, nơi vị lai tế vô diệt, đây gọi là biết pháp quá khứ vị lai tế.
Bửu Đức Bồ Tát hỏi :
– Nếu thấy pháp quá khứ vị lai tế là thấy những gì ?
Hư Không Tạng Bồ Tát nói :
– Thấy hai đều ly.
Bửu Đức Bồ Tát hỏi :
– Sao gọi là hai đều ly ?
Hư Không Tạng Bồ Tát nói :
– Là ly đoạn và ly thường. Nầy Đại Sĩ ! Nếu có thấy pháp sanh và trụ trước nơi pháp thì là đoạn kiến và thường kiến. Vì có sanh thì có diệt. Có sanh có diệt thì là kiến chấp đoạn thường.
Nếu chẳng thấy có pháp từ tự tánh tha tánh sanh thì thấy nhơn duyên. Nếu thấy nhơn duyên thì thấy pháp. Nếu thấy pháp thì thấy Như Lai. Nếu thấy Như Lai thì thấy như. Nếu thấy như thì chẳng nói đoạn cũng chẳng chấp thường. Nếu chẳng thường chẳng đoạn thì không có sanh không có diệt.
Bửu Đức Bồ Tát lại hỏi :
– Bạch Đại Sĩ ! Nếu vô sanh vô diệt thì sao lại có danh số ?
Hư Không Tạng Bồ Tát nói :
– Vì giả ngôn thuyết mà gọi đó là pháp vậy. Như do có không rỗng nên có tên sắc sai biệt, đó là những màu sắc xanh vàng đỏ trắng, màu tím, màu pha lê, màu lưu ly, màu thô, màu tế và những hình sắc dài vắn vuông tròn.
Hư không chẳng bị những sắc hình ấy làm nhiễm, mà tất cả sắc hình ấy tự tánh cũng rỗng không. Tất cả các pháp cũng như vậy đồng tánh hư không, chỉ giả ngôn thuyết mà có danh số thôi. Những là thiện pháp, bất thiện pháp, thế gian pháp, xuất thế pháp, pháp nên làm, pháp chẳng nên làm, pháp hữu lậu, pháp vô lậu, pháp hữu vi, pháp vô vi. Nhưng Bồ Tát chẳng làm những việc phi phước. Việc phước được làm đều là hư dối chẳng phải chơn thiệt chẳng phải kiên cố.
Bồ Tát ấy biết tất cả hạnh và phi hạnh bình đẳng, bỏ lìa tất cả tướng. Vì thành tựu sức Bát Nhã Ba la mật nên hồi hướng Bồ Đề, mà cũng chẳng thấy Bồ Đề có tăng có giảm. Bồ Tát ấy chẳng ở trong sắc cầu Bồ Đề, cũng chẳng ở trong thọ, tưởng, hành, thức cầu Bồ Đề. Bồ Tát vì không cầu nên trụ trong khối thanh tịnh giới, tu vô nguyện giải thoát môn đầy đủ tất cả nguyện, biết tánh sanh tử đồng tánh Niết bàn.
Bồ Tát ấy dầu nhập cứu cánh Niết bàn mà vì đoạn trừ chúng sanh hư vọng Điên Đảo nên hành Bồ Tát hạnh nhưng cũng không có hành pháp được hành. Bồ Tát như vậy nhập vào nơi Niết bàn hạnh Bồ Tát hạnh.
Nầy Đại Sĩ ! Phàm có sở tác đều là sanh tử, không có sở tác đây gọi là Niết bàn. Bồ Tát sở hành là không có sở tác. Vì vậy mà Bồ Tát gọi là nhập vào Niết bàn hạnh Bồ Tát hạnh.
Nầy Đại Sĩ ! Phàm có nhiễm trước y dựa vọng tưởng hí luận lấy tướng đây gọi là sanh tử. Không có nhiễm trước không y dựa không vọng tưởng không hí luận không lấy tướng, đây gọi là Niết bàn. Bồ Tát do tu không nhiễm trước y dựa vọng tưởng hí luận thủ tướng hành Bồ Tát hạnh Đây gọi là Bồ Tát nhập Niết bàn hạnh Bồ Tát hạnh”.
Lúc Hư Không Tạng Bồ Tát nói pháp ấy, có năm trăm Bồ Tát được Vô sanh Pháp nhẫn.
KINH KHUYẾN PHÁT CHƯ BỒ TÁT TRANG NGHIÊM BỒ ĐỀ