Người như thế nào mới được làm Thần Thành Hoàng?

Thành Hoàng là vị Thần bảo hộ của một vùng đất. Trong ảnh là Đền thờ Thành Hoàng và lễ thờ phụng Thành Hoàng. (pixabay)

Tống Đào Công người ông họ của Bồ Tùng Linh ‘Khảo hạch Thành Hoàng’

Trong phần mở đầu của cuốn “Liêu trai chí dị” của Bồ Tùng Linh, kể về câu chuyện người ông họ Tống Đào Công ‘thi tuyển Thành Hoàng’.

Khi Tống Đào còn sống, ông là một ‘Lẫm sinh’ trong vùng (Lẫm sinh: sinh viên đã thi đậu vào các phủ, châu, huyện để học và nhận được học bổng bạc, lương thực).

Một ngày nọ, khi ông ốm nằm trên giường, thấy một sai lại mang đến một con ngựa trán trắng kèm theo một phong thư và bảo ông đi thi. Tống Đào nghi ngờ hỏi: ‘Nay Đề đốc Học chính còn chưa tới, sao đột nhiên lại mời ta đi thi?’

Sai lại không trả lời mà chỉ thúc giục ông mau mau lên đường. Tống Đào lên ngựa ra roi phi nước đại theo vị sai lại.

Trong cuộc hành trình, con đường dần trở nên hoang vắng, rồi họ đến một thành quách, giống như thủ đô của một vị vua. Không lâu sau, ông bước vào một cung điện tráng lệ. Chỉ thấy điện đường hùng vĩ, có hơn mười vị quan ngồi trên đó, Tống Đào chỉ nhận ra một người trong số họ là Quan Đế. Trước sảnh có hai cái bàn cùng đôn ngồi, trên bàn có đủ bút, mực ,giấy, nghiên. Khi đó đã có một vị tú tài ngồi ở đầu bàn, nên Tống Đào kề vai ngồi cùng anh ta.

Một lúc sau, một tờ giấy bay xuống, trên đó viết đề thi: ‘Nhất nhân nhị nhân, hữu tâm vô tâm’ (một người hai người, có tâm vô tâm).

Tống Đào và vị tú tài đã hoàn thành bài viết và trình tác phẩm lên. Trong bài của Tống Đào có hai câu: ‘Hữu tâm vi thiện, tuy thiện bất thưởng; vô tâm vi ác, tuy ác bất phạt’ (Hữu ý làm việc thiện, việc thiện đó cũng không được khen thưởng; vô tình làm việc ác, tuy ác nhưng cũng không bị trừng phạt).

Các vị Thần đọc bài viết của ông đều hết lời khen ngợi.

Sau đó, chư Thần gọi Tống Đào đến đại sảnh rồi truyền dụ: ‘Hà Nam thiếu Thành Hoàng, ông có thể đảm nhận vị trí này.’

Tống Đào chợt nhận ra đây thực sự là một cuộc thi, vội vàng cúi đầu, nói trong nước mắt: ‘Ơn trên ban xuống đâu dám từ nan, nhưng mẹ tôi đã 70 tuổi rồi, không có ai chăm sóc nên xin các Ngài cho tôi chăm sóc để bà tận hưởng quãng đời còn lại, rồi tôi sẽ đến nhậm chức.’

Trên điện đường, một vị trông như hoàng đế lập tức lệnh cho kiểm tra tuổi thọ của mẹ Tống Đào. Một vị quan có bộ râu dài lật qua cuốn sách, nói: ‘Còn 9 năm dương thọ’.

Các vị Thần trên điện đều do dự, lúc này Quan Đế Quân nói: ‘Hay là để Trương Sinh làm thay 9 năm, sau đó mới tiếp quản.’

Vì vậy, ông nói với Tống Đào: ‘Ông đáng lẽ ngay lập tức phải nhận chức Thành Hoàng, nhưng do lòng nhân từ và hiếu thảo mà được nghỉ phép chín năm và sẽ được triệu tập lại sau khi hết hạn.’

Sau đó, Quan Đế động viên vị tú tài kia vài lời.

Hai người quỳ lạy rồi đi xuống. Vị tú tài kia bắt tay Tống Đào và tiễn ông ra khỏi thành tới một nơi thôn dã. Tú tài nói với ông rằng anh ta là Trương Sinh người Trường Sơn, và từ biệt ông bằng một bài thơ. Tống Đào chỉ nhớ trong đó có câu: ‘Hữu hoa hữu tửu xuân thường tại, vô chúc vô đăng dạ tự minh’ (Tạm dịch: Có hoa có rượu xuân mãi mãi, chẳng đuốc chẳng đèn vẫn sáng đêm).

Tống Đào lên ngựa từ biệt lên đường. Về tới làng, cảm thấy như chợt tỉnh sau giấc mơ, khi ấy đã ba ngày kể từ khi ông qua đời. Trong nhà, người mẹ già nghe thấy tiếng rên từ trong quan tài, vội đỡ con trai dậy, phải quá nửa ngày Tống Đào mới cất tiếng. Ông hỏi thăm về Trương Sinh ở Trường Sơn và xác nhận rằng có một vị tú tài tên Trương Sinh ở Trường Sơn đã chết vào ngày hôm đó.

Chín năm sau, mẹ của Tống Đào thực sự qua đời. Sau khi tang lễ mẹ xong, Tống Đào tắm gội tẩy trần, vào phòng ngủ rồi qua đời.

Gia đình nhà vợ của Tống Đào sống ở cổng thành phía tây, sau đó, gia đình biết được rằng Tống Đào đã đến thăm vào khoảng thời gian ông tạ thế. Đầu đội mũ gấm, khoác tua rua lụa hồng, trông thật uy nghiêm, được bao quanh bởi một đoàn ngựa xe cờ xí. Tống Đào lên đại sảnh để tế lễ rồi thoáng chốc rời đi. Người nhà vợ ông rất ngạc nhiên, không biết rằng lúc đó Tống Đào đã thành Thần rồi.

Tống Đào đã thành Thần Thành Hoàng rồi. (Tranh Bình Minh – NTDVN)

Kết thúc ba kiếp luân hồi, người tu Đạo làm Thành Hoàng

Việc một người có phẩm đức ngay thẳng được chọn làm Thần Thành Hoàng của âm phủ không phải là chuyện hiếm. Lý Trường Tùng là chuyển sinh của Viên Mai – một người nổi tiếng thời nhà Thanh, cũng là một ví dụ. Trước khi Lý Trường Tùng nhậm chức, ông đã hiển linh trước mặt cha mình, làm nốt công việc còn dang dở trong cuộc đời, làm tròn đạo hiếu tới tận thời khắc cuối cùng.

Viên Mai (1716-1797, tự Tử Tài, hiệu Giản Trai) là người đứng đầu trên văn đàn thịnh thế thời nhà Thanh, ông mất vào năm Gia Khánh thứ hai, hưởng thọ 82 tuổi. Năm năm sau, ông chuyển sinh vào gia đình họ Lý ở Lư Giang, tỉnh An Huy, tên gọi Trường Tùng, tự Tử Hạc. Ông nội và cha của ông đều xuất thân từ giới chí sĩ, Lý Trường Tùng từ khi còn nhỏ đã tự ước thúc bản thân chăm chỉ học tập, điều đáng quý là biết tự chăm sóc bản thân và nỗ lực tu dưỡng nội tâm. Lòng hiếu thảo của ông với cha và lòng trung thành với bằng hữu đến chết không phai.

Ông đọc sách học hành, luôn kính ngưỡng các hiền nhân đi trước, ngoại trừ Viên Mai. Mỗi khi nhìn thấy tác phẩm của Viên Mai trong hiệu sách, ông mua về nhà và đốt hết, chỉ cần nhìn thấy tên “Viên Giản Trai” trên bìa sách, là dùng ngón tay cạo sạch mới thôi. Có người hỏi ông tại sao, nhưng ông thật sự không nói ra được tại sao, chỉ đáp: ‘Chỉ là rất coi thường nhân cách của ông ta!’

Vào năm Tân Mão Đạo Quang (1831), Lý Trường Tùng, 29 tuổi, thi đậu phó cử nhân trong kỳ thi hương Giang Nam. Năm sau, tham gia kỳ thi hương năm Nhâm Thìn, không ngờ trên đường đi bị mắc bệnh dịch và qua đời tại một quán trọ ở Kim Lăng (Nam Kinh) vào đêm ngày 7 tháng 8.

Một ngày trước khi chết, Lý Trường Tùng biết mình sắp đi, trong lòng không thể buông bỏ một điều, đó là chuyện gia đình của người bạn quá cố Tôn Quân Nhương. Tôn Quân qua đời ở tuổi trung niên, vợ kế Chu Thị tuẫn tiết, để lại trong gia đình một người mẹ già và một cô con gái, Trường Tùng thương xót quả phụ cô nhi nên thường giúp đỡ họ trong cuộc sống. Trước khi chết, ông lo lắng cho cuộc sống tương lai của hai mẹ con họ, đồng thời tha thiết giao phó người bạn Phương Lỗ Sinh vừa đến thăm, thay ông chăm sóc họ. Ngày hôm sau, Lý Trường Tùng qua đời. Phương Lỗ Sinh đã thu xếp tang sự.

Đêm đó, khi cha Lý Trường Tùng chuẩn bị đi ngủ thì nghe thấy tiếng gõ cửa gấp gáp. Ông vội vàng đứng dậy mở cửa, nhìn thấy trước cửa có một chiếc kiệu lớn, trong đó có một vị quan mặc áo da trăn ngồi trong, trên đèn lụa trước kiệu có dòng chữ lớn màu đỏ chu sa ‘Nam Hải huyện chính đường’. Người cầm danh thiếp đi thẳng vào nhà, quan viên ngồi trên kiệu cũng đi tới giường ông Lý hành lễ: ‘Thưa phụ thân đại nhân, con là Trường Tùng, con trai của ngài đây.’

Ông Lý rời quê hương vì mâu thuẫn với họ hàng, đồng thời cũng cắt liên lạc với gia đình hơn mười năm. Khi rời bỏ quê hương ra đi, Trương Tùng chỉ khoảng mười tuổi . Ông ngạc nhiên hỏi: ‘Con từ đâu đến?’

Trường Tùng trả lời, bắt đầu từ kiếp trước (là Viên Mai) và các kiếp trước nữa:

‘Con ở hai kiếp trước đều là Đạo sĩ. Bởi vì nghe nhầm lời người ta nói mà động tâm phàm, phải chuyển sinh thành Viên Mai. Bản tính bị che lấp, làm nhơ nhuốc thanh danh nhà Nho. Đời ấy vừa có danh vị vừa hưởng thọ dài, kỳ thực đó là phúc phận của kiếp trước. Nhưng bởi có Đạo lực thâm sâu khi tu Đạo trong tiền kiếp, nên Thiên Đế an bài cho hình phạt nhẹ, chuyển sinh thành con trai nhà họ Lý.’

Sau đó, Lý Trường Tùng nói sẽ nhậm chức Thần Thành Hoàng nơi đây:

‘Trường Tùng tuy rằng đời này không có việc thiện gì lớn, nhưng 30 năm qua, ngày đêm cẩn thận, không dám làm điều gì sai trái. Thiên Đế thương xót tấm lòng thành thực sửa sai của con, đêm nay con sẽ kết thúc quả báo luân hồi, chết ở Kim Lăng, nhờ người bạn khâm liệm, nhậm chức Thành Hoàng địa phương, cho nên con đặc biệt tới đây để thăm cha’.

Trước khi rời đi, Trường Tùng còn cẩn thận dặn dò: ‘Chuyện xưa khiến cha phải ly hương đã lắng xuống, cha nên sớm quay về. Sau khi về nhà, cha nên ăn chay, không quan tâm đến chuyện bên ngoài, vẫn còn hai người cháu ở đó đảm bảo bình an dưỡng già. Nếu không tuổi thọ cũng không dài, hai cháu của cha cũng không được đảm bảo!’

Lý Trường Tùng dặn đi dặn lại, sau đó chắp tay từ biệt lên kiệu rời đi.

Sau khi Trường Tùng đi rồi, ông Lý cảm thấy như vừa tỉnh mộng, không dám quay lại ngủ tiếp. Trời vừa sáng, ông bước vào đại sảnh, nhìn thấy trên bàn tấm danh thiếp ngày hôm qua, có ba chữ ‘Lý Trường Tùng’ với nét bút quen thuộc, quả thực là do con trai ông là Trường Tùng (tự Tử Hạc) viết. Trong giấc mơ, Trường Tùng kể cho ông nghe tất cả các chi tiết của kỳ thi hương, chẳng hạn như xếp hạng mấy, đề thi như thế nào, v.v., tất cả đều được xác nhận là đúng.

Chú thích:

Viên Mai nổi tiếng là ‘Tài tử phong lưu’, cũng có những lời nói thiếu đức hạnh. Có tình nghĩa với bạn bè nhưng phóng túng nữ sắc, tự gọi mình là ‘Hộ hoa sứ giả’ (sứ giả bảo hộ hoa). Triệu Dực từng bảo đùa: ‘Tuy viết phong lưu ban thủ, thực tại danh giáo tội nhân’ (cho là kẻ đứng đầu trong tình ái, nhưng thực ra chính là một tội đồ) sống vào thời nhà Thanh.

Nguồn tư liệu: “Liêu Trai chí dị-quyển 1”; “Luân hồi truyện” của Vô Mẫu cư sĩ.​

Duẫn Gia Huy – Epoch Times
Thái Bình biên dịch

Get involved!

Comments

No comments yet
Hide picture