HIỂU RÕ ĐIỀU NÀY
SẼ LÀM THAY ĐỔI CUỘC ĐỜI BẠN TẬN GỐC RỄ
LUẬT NHÂN QUẢ không phải là là một danh từ xa lạ gì đối với những người tu học, hoặc hay tìm hiểu về Phật Pháp. Xong thật ra rất ít người đào sâu nghiên cứu để hiểu thấu đáo Nhân quả, đa số chỉ dừng lại ở vài câu đại khái “gieo nhân nào, gặt quả nấy”, “ ở hiền gặp lành” …
Hiểu như vậy là đủ chăng ? Không !
Vì nếu chỉ dừng lại ở mức hiểu sơ xài như vậy, sẽ thấy trong cuộc sống nhiều việc không có ăn khớp nhân quả gì cả, thấy đầy người tội lỗi đầy mình mà giàu sang phú quý, đầy đứa trẻ vừa mới sinh ra, đã làm tội lỗi gì đâu mà bị cha mẹ bỏ rơi, bị chết thảm, hay gặp bệnh hiểm nghèo khổ sở.v.v… nhiều lắm. Họ thấy vậy, không hiểu nguyên lý ra sao, lại than “ trời cao không có mắt”, rồi lại hỏi “ luật nhân quả ở đâu ? công bằng ở đâu?”
Thực chất luật nhân quả không có sai, cái sai là ở người ta biết quá ít về luật Nhân quả mà đã tự cho mình biết thế đủ rồi, không chịu bỏ thời gian, công sức tìm tòi nghiên cứu cho thông suốt. Mặc dù Nhân quả chính là nguồn gốc vận hành vạn vật, là quyền quyết định mọi thành bại, mọi vui buồn sướng khổ của cuộc đời con người, mức độ hệ trọng là cao nhất.
Ấy thế mà đa số mọi người hết sức thờ ơ với việc tìm hiểu, nghiên cứu, nghiền ngẫm Nhân quả. Ngược lại, họ sẵn lòng tiêu tốn rất nhiều thời gian để xem các gameshow, các chương trình nhảm nhỉ, tiêu khiển, giết thời gian trong nhiều trò vô bổ khác. Năm này tháng khác trôi qua vô nghĩa thì không tiếc, nhưng nói bỏ vài tiếng, vài ngày ra đọc các sách nhân quả thì than dài, than bận không có thời gian…
Đến khi chuyện đau khổ ập đến thì than trời trách người, khổ không biết vì đâu mà khổ, đâu biết đó chính là vì từ trước, ngày ngày vẫn “tự bện dây thừng treo cổ cho mình” mà không hay biết.
Đến khi Nghiệp quả đã chín muồi, thống khổ bao vây mới chạy đi tìm các cao tăng, minh sư, thiện tri thức để hỏi cách hóa giải. Nhưng mà đâu phải việc nào cũng có cách hóa giải, rất nhiều việc đáng tiếc đã xảy đến, thì … muộn rồi! Chỉ còn cách cố gắng mà chịu đựng thôi chứ không có cách gì cứu được.
Vì lẽ đó, nếu là một người có trí tuệ, nhận ra được mức độ quan trọng – không, phải nói là hệ trọng của việc nghiên cứu để hiểu sâu luật Nhân quả, và muốn tìm một tài liệu, một nguồn nào đó để có thể tìm hiểu, nghiền ngẫm sâu xa ngọn ngành, chi li về nhân quả, để tự mình xây dựng một “ngọn hải đăng trí tuệ” cho chính mình, tự mình soi lối cho mình đi về con đường sáng, tự mình sắp xếp an bài cho số phận của chính mình thông qua những hiểu biết về Nhân quả.
Nếu bạn muốn như vậy, Quang Tử rất hân hạnh được giới thiệu với bạn :
Thứ 1, đó một tài liệu, hoặc gọi là một câu chuyện cũng được : “42 ÁN XỬ CỦA DIÊM VƯƠNG” phân tích chi tiết về cách xét xử nhân quả tội phước của Diêm Vương với hàng chục đối tượng khác nhau.
Khi cùng lúc xem xét nhân quả cả đời của rất nhiều người như vậy, ta sẽ có được một cái nhìn toàn cảnh về “bức tranh nhân quả” với mức độ chi tiết nhất có thể. Tuy dài, nhưng nó rất quan trọng, không thể bỏ qua khi nghiên cứu nhân quả. Quang Tử sẽ đăng một phần ngay ở bên dưới đây, (xong không thể đăng hết vì bài viết facebook bị giới hạn kí tự)
Thứ 2, nếu bạn thực sự muốn nghiên cứu sâu hơn nữa, cần thật nhiều bài viết, nguồn truyện có uy tín để tham chiếu, xin giới thiệu với bạn website : nhanqua.com.vn
Website được chia theo các hạng mục, hạng mục con… dễ dàng tìm kiếm như : Chịu quả báo – Phước báo – Luân Hồi – Linh ứng – Chuyên sâu .v.v… rất phù hợp để bạn tìm hiểu nhân quả một cách hệ thống cả về chiều sâu và chiều rộng.
Và nếu như đã sẵn sàng, mời bạn bắt đầu nghiên cứu. Tài liệu khá dài, nếu một buổi đọc không hết bạn có thể lưu lại, bằng cách share về facebook cá nhân, hoặc lưu vào đâu đó đọc dần.
_______________________
42 ÁN XỬ CỦA DIÊM VƯƠNG
Nguyên tác : Lâm Tự Kì
Hiệu đính : Quang Tử
Triều nhà Thanh, tỉnh Hồ Quảng, Trung Quốc, tại huyện Hiếu Cảm, làng Lê Thọ có một người học nho, họ Lâm tên Tự Kỳ, thường ngày ăn chay không sát sinh, cũng thường tụng kinh Kim Cang, song không hiểu nghĩa lý trong kinh cho thấu đáo. Tính tình công bình hiền hậu. Xóm làng đều kính trọng Tự Kì.
Nhằm bữa mồng hai tháng ba, năm Mậu Thìn, triều vua Gia Khánh, Lâm Tự Kỳ dậy sớm thắp hương cúng lạy. Bất ngờ có mấy con quỷ từ đâu hiện đến, vật Tự Kỳ mà bắt hồn dẫn đi, rồi đem đến miếu ông Thổ Địa sở tại xem xét. Qua bữa sau giải tới miếu Thành Hoàng ( là ông thần đình sở tại ) xem xét nữa, nội ngày ấy giải đến đền vua Tây Nhạc, là chỗ tụ hội các hồn mới chết, có khoảng ba bốn trăm hồn, vua Tây Nhạc phê nhận các tờ rồi giải qua Đô Thống Ti xử đoán.
Bữa thứ ba mới tới Đô Thống Ti, Lâm Tự Kỳ thấy các hồn đều mang gông xiềng, áo quần rách rưới. Quỷ sứ lùa hết vào dinh Trưởng án Phán quan ( Phán quan chuyên thẩm xét các án ) mà phát thẻ bài cho mỗi hồn đeo trên cổ, có đề phạm những tội gì. Tới phiên kêu tên Lăng Sĩ Kỳ ở làng Lý Thọ, huyện Hiếu Cảm đeo thẻ bài bốn chữ ” Ác phạm ngưu đồ ” ( nghĩa là tên tội phạm mổ trâu ), quỷ dẫn hồn Lâm Tự Kỳ vào điều tra. Phán quan xem thấy trên đầu Lâm Tự Kỳ có chiếu hào quang lấp lánh.
Phán quan hỏi :
– Ngươi làm nghề đồ tể bấy lâu, giết bao nhiêu trâu ?
Tự Kỳ bẩm rằng :
– Mô Phật, tôi trước giờ không giết con trâu nào hết.
– Ngươi không giết trâu sao đeo thẻ bài có bốn chữ ‘ác phạm ngưu đồ’ ? Mà ngươi phải ở làng Lý Thọ không ?
-Tôi ở làng Lê Thọ, chứ không phải làng Lý Thọ
– Ngươi bao nhiêu tuổi ?
– Tôi đã bốn mươi mốt tuổi.
– Sinh tháng ngày giờ nào ?
– Sinh nhằm giờ Thìn, mồng ba tháng giêng.
Phán quan tra bộ rồi nói :
– Lâm Tự Kỳ ở làng Lê Thọ số tới 78 tuổi, cớ nào bắt tới làm chi! Vả lại, họ tên trong bộ tuy trùng tiếng trên thẻ bài, mà chữ không trùng, tên làng cũng đồng âm mà chữ viết không giống. Huống chi ngày sanh tháng đẻ khác nhau. Nhà ngươi là Lâm Tự Kỳ ở làng Lê Thọ, còn ta sai bắt tên đồ tể là Lăng Sỉ Kỳ ở làng Lý Thọ kìa. Bởi nó mới 36 tuổi, làm nghề giết trâu chó khoảng vài trăm con. Còn nhiều tội khác kể không xiết, nên đáng đoạ tam đồ, là hành hình ba cách : ghìm nước, đốt nấu dầu, đâm chém bằm chặt, kêu là thuỷ đồ, hoả đồ, đao đồ. Còn ngươi có chiếu hào quang trên đầu, chắc là ngươi hay làm việc thiện, hay tụng kinh kệ.
– Tôi đời nay không làm điều chi thiện lắm, song chẳng dám làm việc ác. Từ mười bảy tuổi ăn chay, đến nay đã hai mươi mấy năm, thường ngày dầu có việc gì gấp lắm, cũng lo tụng cho xong một cuốn kinh Kim Cang, và niệm Phật A Di Đà vài trăm câu, rồi mới làm công việc.
– Như vậy thì là người thiện, quỷ sứ bắt lầm một người thường cũng có tội, huống chi là người thiện! Vả lại Thổ địa sở tại, với các vị thần xem xét đều sai lầm, cũng có lỗi nữa, việc này hệ trọng, chẳng phải nhỏ đâu! Vậy thời thiện nhân hãy ngồi đỡ mái tây, đợi tôi tâu cho vua hay, rồi sẽ đưa về dương thế ( Nghĩa là hoàn hồn sống lại ).
Rồi có hai người đồng tử mặc áo xanh dắt hồn Tự Kỳ đến nhà khách mái tây. Thấy trên tấm biển đề bốn chữ ” Tây Phương chú tiết “, lại có đối liễn cột cái như vậy :
‘Đại trượng phu, thủ bất khai sanh tử lộ.
Kỳ nam tử, song mi số phá lợi danh quan’
Khi ấy, Tự Kỳ vào trong nhà khách, thấy có ba người ; một gái, hai trai, đều ăn mặc theo kiểu đạo sĩ, tay cầm xâu chuỗi lần, cùng đứng dậy, chắp tay mời ngồi. Đồng tử nói :
– Thiện sĩ ngồi chờ một chút, đợi vua ngự sẽ mời.
Lát sau nghe ba tiếng trống mở cửa đền báo Diêm Vương đã đến ( Diêm Vương có 10 vị, vị này là Tần Quảng Vương – cai quản Điện thứ nhất). Đồng tử đến mời Tự Kỳ đến cửa đền, thấy trên cửa ngõ có treo tấm biển ngang, đề mười một chữ :
‘Kinh châu đẳng xứ sanh hồn thiện ác đô thống ti’.
( Sở đô thống ti coi xử hồn thiện ác Kinh châu. )
Cửa ngõ đề đôi liễng rằng :
‘Âm dương bổn vô dị lý. Cảm ứng xát hữu minh trưng.’
Lúc ấy, các hồn đều quì dưới thềm. Phán quan thu giấy tờ tâu rõ sự bắt nhầm v.v… Tần Quảng vương xem rồi, phán rằng :
– Người này quả thật hiền lành, lại ăn chay tụng kinh, vả lại chưa tới số, đáng cho hòan hồn. Còn 4 quỷ Dạ xoa bắt lầm, xử trượng mỗi tên tám chục roi, rồi giam lại sẽ tra án. Lỗi Thổ Địa tại làng chỉ đi bắt nhầm, ta cũng dâng sớ cho Ngọc Hoàng phạt tội.
Rồi hỏi Tự Kỳ rằng :
– Người bấy lâu tụng Kinh gì ?
– Dạ tụng kinh Kim Cang.
– Hay lắm! Mà tụng bao nhiêu cuốn ?
– Tôi không nhớ, song tôi ăn chay hai mấy năm, còn tụng kinh mới 7 năm.
Vua truyền Phán quan tra coi tụng được bao nhiêu cuốn. Phán quan giở bộ đếm được 3503 cuốn.
Vua phán rằng :
– Số ngươi còn nhiều, ước tụng cũng dư một tạng (một tạng là 5848 cuốn). Mà ngươi có rõ nghĩa lý trong kinh chăng ?
– Tôi không hiểu được hết.
– Tụng kinh đức lường khôn xiết. Còn như tụng mà không hiểu, thì công đức mười phần, được có ba phần.
– Thuê người tụng kinh thế cho mình có được phước chăng ?
– Thuê người tụng thì được một phần bẩy phước đức. Nhưng mà còn hơn kẻ không tụng. Khi trước ngươi tụng kinh Kim Cang, chưa được chuẩn mực. Lúc đương tụng trong lòng không thanh tịnh, hay suy nghĩ mông lung, không tập trung. Ấy là miệng tụng lấy có, mười phần công đức chỉ được hai ba phần. Vậy từ nay về sau phải cố gắng suy cho thông nghĩa lý, miệng niệm, lòng tưởng. Gặp ai cũng giảng nghĩa lí vi diệu trong kinh Kim Cang, rồi cầu Vãng sinh, thì mới có mong về Tây phương được.
Khi ấy, Phán quan tâu :
– Người này lìa thế gian đã mấy ngày, trái tim phải lạnh, chắc trong nhà liệm rồi, e khó sống lại. Nếu Ngọc Đế tra ra, ắt không tiện lắm. Xin vương gia cho hoàn hồn lập tức.
Vua phán rằng :
– Không hề chi! Ngày mồng 2, 12, 22, ngày mồng 5, 15, 25, mồng 8, 18, 28 đều là ngày lệ xử các phạm hồn tại đây. Nay là ngày mồng 8, là đến kỳ xử án. Ta thấy người đời không tin nhân quả báo ứng, dễ khinh lời thánh, chê bai Tam Bảo ( là Phật, Pháp, Tăng ) các tội ấy rất nhiều. Nay giữ thiện sĩ một ngày, xem ta xử như thế nào, mai mốt sống lại, thuật chuyện cho người đời nghe. Mau cho thiện sĩ uống một ngụm thuốc Noãn Tâm, thì trái tim ấm tới bảy ngày. Phàm các hồn đến cửa thứ nhất này, quá bảy ngày mới giải qua chín vua Thập điện, thì sống lại không được.
Tự Kỳ tâu :
– Tâu Vương gia, vì cớ nào phía tây có nhà khách gọi là : Tây phương chú tiết, người phàm đến đó được chăng ?
– Không đến được. Phàm người chết, đem hồn tới vua Tây Nhạc xem xét, phê rồi mới giải đến đây. Trẫm xét rõ đáng đầu thai ngay mới phê vào giấy, rồi gửi qua vua Đông Nhạc xem rõ mới phát một tờ cho đi đầu thai, hồn ấy mới được đầu thai. Còn trừ những ai thuần thiện không ác, hoặc ăn chay tụng kinh chân tu, thì Trẫm không được phép xử đoán, nên cho ở tạm mái tây, đợi Trẫm viết điệp triệu Kim đồng Ngọc nữ, đem tàng phương báu, rước hồn lên Thiên giới.
– Như thế nào gọi là Thiên đường ?
– Cõi thiên đường sáng láng rộng ngay. Nếu lòng ai sáng láng, ăn ở rộng rãi, ngay thẳng, thì hồn lên Thiên đường.
– Còn địa ngục thì như thế nào ?
– Chốn địa ngục thấp bẩn đen tối. Nếu ai lòng hèn hạ, nhơ nhớp, xấu xa, mê muội, thì hồn sa địa ngục
– Những hồn lên Thiên đường hoặc sa Địa ngục có đầu thai nữa chăng ?
– Đã lên thiên đường, hoặc sa xuống địa ngục, rất lâu mới đi đầu thai, dù lâu nhưng đến khi hết phước hay mãn tội thì vẫn luân hồi, chỉ trừ những bậc chứng Thánh quả Giải thoát như A la hán, Đức Phật thì mới chấm dứt luân hồi.
– Như vậy những người nào sẽ đầu thai ngay ?
– Trong một ngàn người, may một hai người lên Thiên đường, khoảng vài trăm người bị vào địa ngục. Còn bao nhiêu đều đầu thai hết. Bởi vì ai cả đời làm nhiều điều lành, ít phạm điều ác, mới được lên Thiên đường. Nếu ai làm nhiều điều ác, hiếm khi làm điều thiện, mới bị giam địa ngục. Còn ai không thiện không ác, hoặc nửa nọ nửa kia đều phải đầu thai.
– Hoặc kẻ trước làm thiện, sau làm ác, hoặc người trước làm ác sau làm thiện, có kẻ ác nhiều thiện ít, kẻ thì ác ít thiện nhiều, Vương gia sẽ xử ra sao ?
– Trước làm thiện, sau làm ác, thì những điều thiện bị giảm một nửa phước, rồi tính tội những điều ác. Trước làm ác, sau hối cải làm thiện, thì những điều ác được giảm một nửa tội, còn lại tính phước của những điều thiện. Còn ác nhiều thiện ít hay thiện nhiều ác ít, thì đem cấn trừ cho nhau, còn dư cái nào thì hưởng cái đấy. Vì sao như thế ? Bởi người làm thiện chẳng trọn hết kiếp lại quay sang làm ác, thì lẽ trời không dung, cho nên tính giảm hết phân nửa việc thiện. Còn kẻ ăn năn sửa lỗi, cải tà quy chánh, thì Ngọc Đế thương lắm, nên giảm phân nửa việc ác.
– Tôi thường thấy người làm thiện mà bị nghèo nàn. Còn kẻ ác lại được giàu sang. Trời báo ứng không rõ ràng, nên hiểu chẳng thấu rõ!
– Người thiện mắc hoạ, e là ngoài mặt thiện mà lòng chẳng thiện. Kẻ ác mà được phước, e là ngoài mặt ác mà trong lòng không ác. Thượng đế trọng thiệt tình trong tâm, chứ không cần cái mặt bề ngoài. Bởi làm mặt vẻ bề ngoài thì dối người được, chứ dối trời sao được. Xưa nay quả báo chắc chắn không nhầm. Song việc nhân quả báo ứng có nhiều cách. Có khi thiện ác kiếp trước, kiếp nay mới trả. Thiện ác đời này, kiếp sau mới trả.
Hoặc đời nào trả theo đời ấy, có khi mới làm ác mà quả báo trả lập tức nhãn tiền. Còn như người nói ‘Ác được phước, lành mắc hoạ’ là bởi làm ác đời này chưa bao nhiêu mà mắc hưởng phước từ tiền kiếp, hay làm thiện đời nay chưa bao nhiêu mà mắc trả quả báo từ kiếp trước, luân hồi che lấp, làm sao người hiểu thấu.
Bởi vì phước tội kiếp trước của chúng nó, thiện cho hưởng phước, ác cho gặp hoạ, cho hết nghiệp kiếp trước. Rồi mới xét thiện ác đời nay thiệt giả, nhiều ít, lớn nhỏ, trừ cấn, hoặc trả lại đời nay, hoặc để dành kiếp sau hoặc trả cho con cháu nó.
Việc báo ứng theo luật âm, hoặc sớm hoặc muộn, hoặc kín đáo, hoặc rõ ràng, nhưng chắc chắn không sai một mảy may. Cái lý nhân quả nhiệm mầu, phức tạp, con người làm sao hiểu cho hết ?
– Thưa Vương gia, sao gọi là đời nay mà chịu trả nhân quả kiếp trước ?
– Như trẻ con mà bị chết đuối, lửa cháy, bị đâm chém, bị tật bệnh, hoặc cọp ăn, rắn cắn, ngựa đạp, xe cán, trâu húc, hoặc các việc rủi ro v.v… thì đời nay nó đã biết làm điều chi ác đâu, mà bị trả quả, đó là do vì trả quả kiếp trước. Lại còn học trò mới đôi mươi, mà đi thi đỗ, hoặc là con dòng cháu dõi mà được thế được chức, hoặc hưởng phúc đức tổ tiên, hoặc các việc may mắn v.v… thì đời nay tuy chưa làm lành mà lấy chi được hưởng phước, ấy lại là do hưởng phước từ việc thiện kiếp trước. Coi đó mà suy, thì hiểu thiện mà mắc hoạ, ác mà được phước là tại lí do ấy.
– Bắt người thiện đi đầu thai, thì e người thiện thiệt thòi lắm! Còn kẻ ác cũng được đầu thai, thì kẻ ác chẳng phải rất may sao ? Sao lẽ trời không phân biệt ?
– Không phải vậy đâu! Cho người lành đầu thai hưởng giàu sang vinh hiển, là Thiên đường tại cõi đời, sao gọi chịu khổ ? Còn cho kẻ ác đầu thai, chịu khốn khó, hèn hạ, tai nạn, cũng như địa ngục tại dương gian, sao gọi rất may ? Huống chi người thiện hưởng cảnh thuận, nếu tu nhơn tích đức thêm, thì sẽ lên Thiên đường. Nhưng nếu hưởng phước giàu sang mà làm ác quá, trừ hết phước vẫn còn dư tội thì cũng phải chịu tội như thường.
Nếu kẻ ác bị nghịch cảnh ngang trái mà biết ăn năn vì lỗi trước, lo tu đền tội, thì cũng sẽ hết khổ, bằng không tu thì đoạ vào các Địa ngục, muôn trùng khủng khiếp.
Coi đó thì đủ biết sự hoạ phước tuy là trời định, song lòng người thiện ác sẽ thay đổi được, việc may rủi tuy ở số phận an bài khi mới sinh, nhưng ngưởi làm thiện làm ác thì số mạng cũng sắp lại hết.
– Như vậy Thiên đường- Địa ngục, siêu-đoạ là tại tâm người tự do làm chủ. Nếu tôi là người không làm chủ cái tâm tôi, ấy là : Thiên đường kia, có đường chẳng bước ; Địa ngục kia không cửa lại tìm !
– Phải, xem ra ngươi là người sẽ lên Thiên đường, nên tâm mau tỉnh ngộ như vậy.
Nói chuyện xong rồi, Phán quan tâu :
– Các phạm hồn tề tựu đã đông đủ chờ tra xét.
Vua Tần Quảng Vương xem lời phê của vua Tây Nhạc rằng : “Bọn Từ Húc, cộng 752 hồn, đang đầu thai.”
Vua đều phê cho chúng nó được giải qua vua Đông Nhạc lãnh tờ đầu thai hưởng phước. Tự Kì coi qua lời phê thiện lành của ba hồn được sinh lên Thiên Giới, kể ra như sau :
1) Một nàng thiện nữ là Liễu Thị, chí hiếu với mẹ chồng nuôi con đau ốm cực khổ, lại hay bố thí, cho kẻ tù ăn, xuất tiền sửa cầu đắp đường, làm nhiều việc lành, không nói một lời tổn đức, chẳng làm một điều chi hung dữ. Lại ăn thập trai đã mười năm và hay tụng kinh Phổ Môn nữa.
2) Một người thiện dân là Dương Thăng, hiếu thảo cha mẹ, thương anh em chị em, cung kính kẻ lớn, ăn ở nhân từ hào phóng, hay thương người. Không ăn gian một đồng tiền, chẳng tham lam ngân lượng bạc. Cứu người ngặt nghèo, giúp người gấp rút. Vài trăm người nhờ ơn cứu giúp, mấy chục nhà nhờ tay anh cứu sống. Công ơn bố thí lớn lắm.
3) Một vị thiện sĩ là Trương Quan Diện ở huyện Võ Lăng, tuy nhà nghèo, mà thủ phận, cực khổ mà bền lòng. Viết sách vài trăm cuốn, đều nói chuyện khuyên đời. Dạy học trò giữ nhân nghĩa làm đầu, kết bạn hữu chính trực, uy tín làm gốc. Tuy chẳng an chay mà tâm lành như ăn chay. Tuy chẳng tụng Kinh, mà lời hiền như câu kinh tiếng kệ, tâm địa trong sạch, lời nói chẳng hung ác.
Ba vị ấy đều đáng sinh Thiên, được hoá thân bậc thượng.
Vua xem lời phê của vua Tây nhạc rồi, phán rằng :
– Mau mời Kim đồng Ngọc nữ đem tàng phướn báu, xuống rước ba hồn lên Thiên Giới ( Kim đồng rước hồn nam, Ngọc nữ rước hồn nữ ), còn tại nơi này, phải nổi trống trổi nhạc, thắp hương, rải hoa mà đưa ba vị ấy. Còn các hồn phạm tội, chiếu y theo số thứ tự trong đinh bài, dẫn vào Trẫm xử.
Phán quan tâu rằng :
– Hồn phạm số thứ nhất là họ Dư, ở huyện Huỳnh châu, tú tài thi đỗ cử nhân, hai khoá đậu tiến sĩ, được bổ nhiệm chức tri huyện huyện Tú Thuỷ, triều Thanh, lên lần tới chức Chủ sự sở Hình bộ, sau làm chức Lang trung sở Công bộ ; lại sang qua chức Thị lang sở Hộ bộ, rồi qua sở Lại bộ được năm tháng mới chết. Tra án tên phạm này, từ ngày đỗ tú tài tới khi làm quan huyện, không làm một việc lành nào, đến làm sở Hình bộ, giết oan 13 mạng. Làm sở Công bộ, ăn hối lộ rất nhiều. Làm sở Hộ bộ, cũng ăn hối lộ nhiều bạc lắm. Sau lên sở Lại bộ càng táo tợn hơn nữa, bán chức quan mà ăn, miễn đầy túi mình, không cần biết ai khóc ai cười. Tội này đáng đoạ Địa ngục A Tì, muôn triệu năm chưa được đầu thai.
Họ Dư đứng dậy bái và tâu rằng :
– Tôi đã làm quan lớn, xin Vương gia châm chế cho tôi chút thể diện.
Vua nạt và phán rằng :
– Khốn kiếp! Dương gian trọng người chức lớn, tại Âm phủ trọng đức chớ chẳng trọng quan tước quèn. Kẻ đức hạnh lớn, dầu ăn mày Trẫm cũng kính nể. Nay ngươi còn ỷ thế làm quan mà cự với Trẫm sao ? Quỷ Dạ xa đâu, lấy chùy sắt mà đập đứa này cho chí tử.
– Tôi có ăn chay thập trai, tụng kinh Chuẩn Đề.
– Ngươi ăn chay thập trai niệm chú Chuẩn đề, mà cầu công danh bền bỉ. Ngươi chưa có hiểu nghĩa hai chữ Chuẩn Đề. Phàm người muốn cầu giàu sang công danh, hoặc cầu con, cầu trường thọ, thì phải chừa mười điều ác là : bất kính trời đất, bất kính Tam Bảo, chẳng hiếu thảo cha mẹ, chẳng thuận anh em, chẳng trung vua chủ, chẳng tin công lí, chẳng lễ nghi, chẳng hành xử theo lẽ phải, chẳng thanh liêm trong sạch, chẳng biết hổ thẹn. Đã chừa mười điều ác ấy, lại còn ở theo luật Công quá cách, mỗi ngày tụng kinh cho nhớ mà sửa lòng, không dám thiếu một bữa, chẳng dám nghĩ đến một điều trái lẽ. Như vậy thì ăn thập trai, niệm chú Chuẩn Đề mới cảm động lòng trời.
Còn ngươi bấy lâu làm ác nhiều điều, cứ bia tiếng Chuẩn Đề, mà trông mong hưởng phước, là theo ngọn mà bỏ gốc, mà cảm động vào đâu ? Nhằm ngày thập trai, ngươi lỡ quên ăn mặn, định bữa khác ăn chay mà trừ, hoặc đám tiệc người ta ép, thì ngươi bỏ ngày chay mà ăn mặn. Theo phép đã ăn chay, thì không lẽ ăn bữa khác mà thế ngày quên được sao? Cũng không được xả bỏ ngày chay mà ăn mặn. Nếu thế hoặc xả bỏ thì không phải là lòng thành, còn kể làm chi nữa ? Ăn chay thập trai như ngươi đó, công đức gì? Đừng cãi nhiều lời! Mau dẫn nó qua A Tì địa ngục.
– – – – – – –
Phán quan đọc án :
– Kế đến số thứ nhì là họ Tần, ở huyện Hướng Dương, Tú tài thi đậu tiến sĩ, làm quan tri phủ phủ Thái Nguyên, ba năm mới chết. Phạm hồn nầy khinh rẻ trời đất, không kể mạng người, trấn nhiệm ba năm, ăn hối lộ tới mười mấy vạn lượng, không lo việc nước. Đời nay ngươi được thi đỗ làm quan, là vì kiếp trước là thầy chùa, có công dọn đường núi và đắp lề vài trăm trượng ( vài ngàn thước mộc ). Nào hay đời nay thay lòng đổi dạ như thế!
Họ Tần tâu :
– Tôi khi sống mê muội không ngờ có việc Địa phủ xử tội như vậy. Nay mới ăn năn tỉnh lại. Trong nhà tôi còn vài vạn lượng bạc. Nay thấy đền của Ngài hư cũ, dưới đền nhiều hồn đói rách. Tôi tình nguyện dâng hết bạc mà tu bổ đền vua, còn dư thì bố thí cho hồn đói mà đền tội, chẳng biết ý vua định thế nào ?
Tần Quảng Vương phán :
– Nay ngươi ăn năn đã muộn quá! Đền Âm phủ của Trẫm, không lẽ lại dùng tiền hối lộ của ngươi mà tu bổ sao ? Còn ngạ quỷ ( ma đói ) là tại chúng nó khi sống làm ác nay phải chịu khổ, ai cần bố thí cho mệt công. Huống chi lúc ngươi còn sống, hay kiếm mưu nầy chước kia mà thu tiền của cho nhiều, nào có thương ai đói mà bố thí. Phải chi ngươi làm phước cho sớm, thì đã tiêu hết tội rồi, đâu có ngày nay phải chịu tội thế này. Mà lại vài vạn lượng đó, có phải của ngươi sao ? Mười mấy năm trước, Trẫm đã cho các oan gia chủ nợ đầu thai làm bốn trai hai gái của ngươi, ngươi chết chưa đầy hai tháng, chúng nó ăn chơi đàng điếm bài bạc phá hết sạch gia sản rồi ; ít lâu đây con trai ngươi sẽ đi trộm cướp, con gái ngươi sẽ vào lầu xanh, làm ô nhục danh tiếng tổ tông! Còn ngươi, tống vào Địa ngục.
Họ Tần nghe qua động lòng khóc ngất, tiếng rống ồ ồ! Quỷ sứ lấy chùy đồng đập đầu, té xỉu tại đất. Giây phút tỉnh hồn, bị dẫn qua Địa ngục.
– – – – – – –
Phán quan truyền dẫn hồn kế đó vào nữa, đọc án rằng :
– Phạm hồn họ Triệu ở huyện Quỳnh Châu, trước làm Thư lại, sau lên chức Huyện thừa tại huyện Vĩnh Bình mới chết. Hồi 18 tuổi làm ác rất nhiều. Đến khi làm quan, ăn tiền của người ta, hại mạng dân cũng nhiều. Sai thu thuế, tra khảo dân nghèo. Lo vừa ý quan trên, khắc bạc dân dưới. Đáng ghét hai khoản này : đi xét án nhân mạng, chỉ vì tiền mà làm đổi trắng thay đen, nghĩa là lo tiền thì quả thật bị giết cũng gọi là tự vẫn, không lo tiền thì tự vẫn cũng vu là giết. Còn xứ điền thổ hễ ai lo nhiều bạc thì được ruộng đất. Nên trong túi tham, đựng vài ngàn lựơng vàng. Bởi thế, khi còn sống đã phạt tuyệt tự, mà chưa hết tội. Nay trước quăng vào vạc dầu, mà rửa hờn cho dân, rồi sẽ giam vào địa ngục A Tỳ muôn triệu năm không tính đến chuyện đầu thai.
Họ Triệu tâu :
– Lời xưa nói vì nghèo mới cố học làm quan. Như vậy ăn của dân cũng là phải. Nếu cho sự ăn hối lộ mà là tội, thì kẻ làm quan lấy chi mà nuôi gia quyến và đãi quan khách, của đâu mà đi lễ quan trên ?
Tần Quảng Vương phán :
– Như minh oan cho người, hoặc lấy lẽ ngay mà xử cho đúng phép công minh theo luật. Kẻ khỏi hàm oan, người ngay khỏi bị hại, người ta cám ơn vì xử công minh, nếu chúng nó giàu có hậu tạ, vui lòng mà cho tới bạc ngàn, mình cũng không lỗi. Chứ như không lợi ích cho người chút nào, lập kế bày mưu mà ăn tiền, thì oan ức cho người ngay lắm, tội biết bao nhiêu mà kể. Ngươi nghĩ thử, những tiền của ngươi ăn đó, có phải nghĩa công bình chăng ? Người ta có vui lòng tình nguyện đền ơn cho ngươi chăng. Có đáng công ơn theo lẽ minh oan, tự nhiên mà người cho chăng ? Hay là kiếm cơ lập thế mà cướp của người ? Ngươi còn già miệng bào chữa cho mình sao ?
Họ Triệu tâu :
– Tôi có ăn chay vía tam quan ( là ba rằm lớn : rằm Tháng giêng vía Thiên quan, rằm tháng bảy vía Địa quan, rằm tháng mười vía Thuỷ quan ) thiệt là mong ba vị tam quan đại đế bảo hộ. Nào hay bây giờ bị hoạn nạn này, ba vị tam quan đại đế, sao chẳng đến mà cứu tôi!
Tần Quảng Vương phán :
– Lời ngươi nói ấy, tội đáng bằng hai, lấy bàn sắt vả miệng nó mười cái. Ba vị tam quan đại đế là Thiên quan, Địa quan, Thuỷ quan là ba vị thần ngay thẳng, phù hộ ngừơi lành. Người làm lành, tuy chẳng ăn vía ba rằm lớn xong cũng có phước, không lẽ Thần linh lại bảo hộ cho bọn không nhân nghĩa nhà ngươi sao ? Nếu người làm lành mà ăn chay, thì chay ấy giúp thêm việc lành. Nếu làm ác mà ăn chay, là viện lấy việc ăn chay mà thẳng tay làm ác sao ? Ngươi còn dám nói hồ đồ ? Truyền dẫn qua Địa ngục.
– – – – – –
Phán quan đọc án kế :
– Họ Châu ở huyện Đông Thành, qua ngụ ở đất Hán Khẩu, làm nghề thợ bạc, hay chế bạc chất lượng kém, bạc giả mà hại người mất tình nghĩa, mất thể diện ; gây tội nhiều lắm. Đặc biệt có một tội nghiêm trọng là :
Một người buôn bán ở huyện Kỵ Thuỷ đem hơn một trăm ba chục lượng bạc nguyên chất, thuê hắn nấu ra bạc chín ( nghĩa là bạc mười nấu ra bạc chín, chín chỉ bạc pha một chỉ đồng ). Nó lại nấu phân nửa bạc, pha phân nửa đồng, thành ra bạc năm, kẻ đi buôn kia bị lừa không biết, sau buôn bán nửa đường mới hay bạc năm, bị lỗ nặng, uất ức sinh bệnh mà chết. Tuy ngươi ăn gian sáu chục lượng bạc, sớm bị quả báo bệnh tật, phải thuốc thang hết tiền hết bạc, nhưng tội còn rất nhiều. Tra cứu cả cuộc đời ngươi, không có điều lành gì mà cấn trừ cả.
Tần Quảng Vương phán :
– Truyền dẫn qua Hoả thành ( thành lửa ) mà thiêu suốt một tháng, cho người chết oan bớt tức. Rồi giam vào Địa ngục, chưa tính đến chuyện đầu thai.
– – – – – – –
Phán quan đọc án kế :
– Họ Tiền, ở huyện Ma Thành, xóm Trịnh Gia, làm cai trong huyện ấy. Cả đời hay xúi người ta kiện thưa mà ăn chia tiền của đem lo lót. Nó có xúi người cháu chồng, kiện thím dâu thủ tiết thờ chồng (là chú hắn), đoạt gia sản của thím dâu, mà ăn lo lót ( ăn chia ) hơn năm trăm lượng bạc. Tiết phụ bị bức hiếp, tức mình lâm bệnh mà chết! Huống chi còn nhiều tội ác khác, có lẽ nào mà được đầu thai ngay, dẫn nó quăng lên núi đao mà trị tội.
Họ Tiền tâu :
– Tôi có kiêng sát sanh sáu bảy năm, nhờ ơn vua khoan hồng.
Tần Quảng Vương phán :
– Ngươi đừng nói vớ vẩn! Đã biết kiêng sát sanh là việc lành, sao ngươi biết tiếc mạng sinh vật, mà chẳng thương tiếc mạng người ? Ngươi hôm nay xúi kiện cáo, ngày mai tranh đua việc sai trái, hại chẳng biết bao nhiêu mạng. Tha mạng vật mà giết chết mạng người, ấy là không phân gốc ngọn lớn nhỏ, sao có thể vì sự nhỏ mọn ấy, mà tha tội lớn được ? Huống chi ngươi kiêng sát sanh chẳng qua để lấy tiếng thơm, mua danh lành, chứ không phải xuất phát vì lòng thương vật. Song vì ngươi thực cũng có chút căn lành mà kiêng sát sinh, Trẫm cho ngươi một cơ hội, tha khỏi quăng lên núi đao, cho được đầu thai mà phải làm con nhà nghèo, mang hai tật câm và mù, đi ăn mày trọn đời, nếu biết thân mà giữ phận đền tội trọn hết đời, sau xuống đây sẽ xét lại.
– – – – – – –
Phán quan đọc án kế :
– Họ Thư ở phủ Thừa Thiên, làm chức Điển sử, cha làm Thư lại ( thư ký ) tại phủ. Ba mươi tuổi chết. Hồi trẻ xuân xanh hay trưng diện đi dụ dỗ đàn bà, phá tiền của người ta, hại mạng người không biết bao nhiêu, tuy tại chúng nó đắm say, mê muội, song cũng vì ngươi tham tiền của mà quyến rũ ; không thể nào dung tội ngươi được. Huống chi ngươi trưởng thành lại càng đắm say tửu sắc, cướp vợ con người ta, chẳng biết bao nhiêu mà kể. Nếu nàng nào không thuận, thì cậy thế quan quyền, mà vu hoạ hại người! Cho nên vào nhà nào, phụ nữ nào cũng sợ oai mà chịu bị ngươi hiếp. Tội dâm ác thái quá, giết cũng chưa vừa, đáng giam vào trong ngục đao kiếm.
Phán quan xem kĩ sổ rồi lại tâu :
– Song tên tội này có hiếu với mẹ lắm. Mẹ ngoài sáu mươi tuổi đau nặng. Y sắc thuốc nếm rồi mới dâng, đêm nằm không cởi dây nịt. Vài tháng như vậy mẹ hắn bệnh ngặt nghèo, ăn không được, y cắt thịt nơi bắp vế nấu cho mẹ uống nước cho bổ, nhờ vậy sống thêm được vài ngày. Ta cũng nên rộng lượng một chút.
Tần Quảng Vương phán :
– Thượng Đế tuy ghét tội dâm ác lắm, mà rất trọng con hiếu thảo. Bởi nó biết nuôi cha mẹ là hiếu, mà chẳng biết giữ mình trong sạch mới là chí hiếu. Trẫm tha tội giam trong ngục đao kiếm, lại cho đi đầu thai, song làm điếm lầu xanh mà đền tội dâm ác. Nếu sau biết ăn năn sẽ xét lại.
Phán rồi cấp điệp ( giấy ) qua cho vua Đông Nhạc mà cho đi đầu thai.
– – – – – – –
Phán quan đọc án kế :
– Họ Tôn ở huyện Võ Xương, 19 tuổi cải thành họ Trương đi lính hầu tại phủ. Tính hay bợ đỡ quan phủ, lại đa mưu túc kế. Gan to mật lớn, gian hùng việc gì cũng dám làm. Hầu việc ở các dinh, ông quan nào cũng bị y lừa hết. Đến nỗi việc mạng người sống hay chết, đều do tay y thao túng. Việc phải trái được mất, đều nơi miệng nó xúi giục. Tội ác chất đầy, đếm không hết. Luận tội dương gian đã khó tha thứ, luật hình âm phủ càng không dung. Mau dẫn qua địa ngục Đao sơn.
Họ Tôn tâu :
– Tôi có dùng năm chục lượng bạc mà mạ vàng cho tượng Phật tại chùa Báo Ân. Lại cúng tiền dầu thắp đèn, lại có ăn chay, niệm Phật A Di Đà một ngàn câu.
Tần Quảng Vương phán :
– Tên khốn kia! Nếu làm ác, sao không biết ăn năn chừa lỗi, làm phước niệm Phật, thì ta tha tội. Có đâu mượn tiếng cúng chùa niệm Phật, mà làm ác thẳng tay. Phật A Di Đà không lẽ giúp sức cho người làm ác sao ? Ví dụ như kẻ vì tửu sắc mà sinh bệnh, uống thuốc để chữa. Nếu kiêng tửu sắc, thì uống thuốc mới khỏi. Còn nếu vẫn mê say tửu sắc như xưa, thuốc nào mà trị cho nổi? Phước ngươi làm đó chưa đủ để bù đắp cho tội ác của ngươi đâu, coi như đó là gieo duyên với Phật những kiếp sau này. Còn giờ, dẫn nó qua Địa ngục !
– – – – – – –
Phán quan đọc án kế tiếp :
– Họ Ngô, ở huyện Huỳnh Cang, hồi nhỏ đi học, thi khoa tú tài không đậu, học qua nghề viết đơn mướn.
Vua nói :
– Xưa nay kẻ chuyên viết đơn thưa kiện, không có ai hiền lành bao giờ.
Họ Ngô tâu :
-Tôi là kẻ đại thư cứu viện cho kẻ dốt không biết viết đơn, chớ không làm điều gì ác.
– Kẻ bố thí, phước chẳng phải do của bố thí mà tại tấm lòng ; kẻ chém giết, tội chẳng tại gươm mà tại ý. Khi ngươi viết đơn kiện cáo, trong đầu tính cáo buộc cho gay gắt, như muôn ngọn lửa cháy bừng khó tắt. Nghiên mực độc hơn ao máu, ngòi viết sắc bén còn hơn lưỡi gươm. Viết một chữ, phá nhà phá cửa người ta dễ dàng. Sửa một nét, giết mạng người như chơi. Dưới lửa độc, đủ đồ hình cụ ; trên tờ đơn, đều cửa ngục hình. Viết đi còn viết lại cho thật hay, buộc tội trước lại buộc tội sau cho thật gắt! Kẻ có tội không bắt cho mau, người không tội lại quyết gài tội cho chắc. Nhiều lúc nói hai lưỡi, làm bộ giết nguyên cáo mà thực ra là hại bị cáo. Lòng độc như yêu xà khó lường, mưu sâu như quỷ quái khó thấu. Kể sao cho xiết những tội ác của ngươi, mau dẫn qua mổ bụng rút ruột, cho nếm đủ tội hình, giam hoài nơi Địa ngục. ”
– – – – – – –
Phán quan đọc án kế :
– Họ Trần ở huyện Kỵ Thuỷ, phạm tội ăn trộm.
Vua xem án rồi, hỏi rằng :
– Ngươi may được làm người, sao theo đường trộm cướp ?
Họ Trần tâu :
– Tôi hồi nhỏ thiếu ăn thiếu mặc, cha mẹ, em út, kêu đói suốt ngày, vả lại gặp năm mất mùa, lúa gạo đắt đỏ, xưu cao thuế nặng, cực chẳng đã mới đi trộm cướp !
Vua ngó Phán quan mà phán rằng :
– Người này tuy là ăn trộm, song hắn nói cũng phải. Hãy tra bộ sổ cho kĩ, coi còn làm những việc gì nữa ?
Phán quan tra bộ rồi tâu rằng :
– Họ Trần có giật đồ của người đi buôn lúc đi ngang núi Mai Lãnh tại huyện Kị Thuỷ. Sau bị bắt nguội, giải đến quan họ Từ, vốn là người ở huyện Ngô, phủ Tô Châu, quan bắt hắn viết lời khai. Họ Trần lại viết bài thơ như vầy :
“Nào là kẹp khảo, nào tra tấn,
Tâm niệm nhà ngươi, độc hơn ta.
Tay ngươi móc gan, rồi thọc huyết,
Gươm đao đầy bụng nhiều hà sa. ”
Quan huyện họ Từ xem thơ, rồi mới nói với các Thư lại rằng :
” Chúng ta thiệt cũng như ăn cướp, còn muốn xử tội ăn cướp sao ? Các Thư lại, cai bếp, quân lính đều đi bắt đầu này đầu kia, mà kiếm chác cho ta, thì cũng như bọn lâu la đi cướp, kiếm tiền cho tướng cướp! Chi bằng ăn năn cho sớm, lo tu nhân tích đức mà kiếp sau được nhờ, cho khỏi bị đoạ ”
Những tên nha dịch đều bẩm rằng : ” Chúng tôi đã tập quen thói ác rồi, và lại còn nuôi gia quyến, thật khó ăn năn sửa lỗi lắm! ” Lúc ấy họ Trần thưa : ” Có khó chi đâu! Kẻ tu thân phải có can đảm, trí tuệ khác hơn người thường, cũng lăn xả mạnh mẽ như đứa ăn cướp, thì mới nên việc. Đứa trộm cướp gan lì không sợ mới dám phá cửa mà cướp của người, dễ như trở tay, muốn làm sao thì làm vậy. Nếu quyết hồi tâm đi tu, thì cũng phải can đảm, lăn xả như vậy, thì ác nào mà bỏ không nổi, lành nào mà làm không được! ” Nói rồi ngâm bài thơ như vầy :
“Gương ác báo giục ngực người làm ác,
Tiếng chuông chùa khuyên thế ở lành ?
Đao kiếm vốn không, lòng mới độc,
Tánh tình sẵn có thiện cùng tà.
Xưa mê ngũ dục, say vô độ,
Nay tỉnh ăn năn, sợ thất thanh,
Chừa lỗi hồi tâm tu dễ quá,
Nhất tâm hối cải, bỏ thì thành. ”
Khi ấy trong nha môn : nhiều kẻ hồi tâm, từ chức đi tu mười mấy người.
Tần Quảng Vương phán :
– Quả là có công đức ấy, đủ chuộc tội trộm cướp. Huống chi trộm của, chứ chưa hại đến mạng người, đáng giảm phân nửa tội. Đáng ghét là tội gian dâm, vì no ấm mà sanh tật. Còn đạo tặc phải suy xét, do bởi đói nghèo ăn không đủ mà liều mạng. Sự cùng mà biến, tội cũng có thể khoan dung. Tha tội cho họ Trần, cấp giấy qua vua Đông Nhạc lãnh phần đầu thai làm thầy chùa du phương tại núi Thiên Thai. Nếu chịu khổ hạnh tu hành, sau sẽ siêu độ.
– – – – – – –
Phán quan đọc án kế :
– Họ Trần ở huyện Viên Dương từ hồi nhỏ ăn chơi hoang đàng, lười biếng, làm cho cha mẹ chịu lạnh, chịu đói khổ, ưu phiền sinh bệnh mà chết, là vì con không cần kiệm kiếm tiền mà nuôi dưỡng. Còn nó tới 49 tuổi cũng chết vì đói
Tần Quảng Vương phán :
– Tuy nó không làm điều chi ác lắm. nhưng mà làm biếng lại ăn xài hoang phí. Những đứa trộm cướp, chẳng phải do muốn giết người, muốn đốt nhà làm ác, chẳng qua do lười biếng lại tiêu xài hoang phí, túng quá mới sinh ra nghề ấy. Cho nên siêng năng và tiết kiệm, thiệt là cội rễ nên nhà nên cửa, mà cũng là gốc tu thân sửa tính nữa. Kẻ quân tử, ai cũng cần kiệm. Tại ngươi không siêng năng mà lại chẳng tiết kiệm, để cho cha mẹ đói lạnh mà chết.
Như vậy, không cần kiệm tuy là lỗi nhỏ mà tội không nuôi cha mẹ là bất hiếu khó dung tha. Dẫn nó qua pháp trường, mổ bụng lắc bao tử và móc ruột mà trị tội hoang phí. Rút cho hết các sợi gân lười biếng, mà trị tội không cần cù. Nay cha nó đã đầu thai làm chức thư lại tại huyện Thường Châu, ở sau Tây Môn, cho nó đầu thai làm con lợn trong nhà của cha nó, để bán lấy tiền mà đền tội bất hiếu đời trước.
– – – – – – –
Phán quan đọc án kế:
– Họ Khương ở châu Hưng Quốc, là nhà giàu mà bất nhân, năm mươi mốt tuổi, bị một người dân nghèo là họ Hồ giết. Họ Khương giàu còn hơn cả cái châu ấy cộng lại, vựa lúa lớn bán cho các thương lái khắp nơi. Có năm trong xứ chết đói vì mất mùa, họ Khương chẳng bố thí cho nhà nghèo một nắm lúa gạo. Khi ấy quan phủ, quan huyện cho mời y, bảo bố thí cho dân đói, y lo hối lộ để khỏi phải bố thí. Đến nỗi bà con hoạn nạn chết đói, y cũng không ngó tới!
Tần Quảng Vương phán :
– Ngươi bình sinh trọng tiền bạc, chẳng hề cho ai vay mượn để người ta chết đói, tâm ngươi khắc bạc ghê gớm, độc hơn tội giết người, không thể nào dung tha được.
– Tới đây tôi mới biết đã mắc tội nơi luật trời. Xin Vương gia tha tôi về, rồi tôi cải ác tùng thiện, xuất hết của tiền lúa gạo mà bố thí cho dân nghèo. Xin vua rộng lòng y tấu.
– Ngươi còn trông sống lại hay sao? Kho thóc trong nhà còn thuộc về của ngươi hay sao? Con cái của ngươi đều là oan gia đầu thai đòi nợ, chưa đầy một năm nó sẽ phá hết gia sản, không còn sót món nào!
Khương nghe rõ, khóc ròng than rằng:
– Tôi bấy lâu chắt chiu từng đồng quyết để lâu dài. Cực chẳng đã mới bỏ vài đồng ra mua củi, hoặc mua rau cũng đã tiếc lắm. Ai dè con là tội báo oan gia đầu thai vào mà phá hết gia sản, thật tức biết chừng nào!
– Cái tội keo kiệt cũng như tham gian – Tần Quản Vương phán – Trước cho làm ngạ quỷ, bỏ đói cho lâu. Sau sẽ cho đầu thai làm ăn mày, chịu đói rách mà đền tội vắt cổ chày ra nước.
—————
Phán quan đọc án kế:
– Họ Doãn ở huyện Quy Đức làm thầy thuốc dởm (lang băm ), bốc thuốc lung tung hại chết vừa nam vừa nữ tổng cộng mười một mạng. Tánh thích ăn thịt trâu lắm, bữa nào cũng có thịt trâu mới chịu cầm đũa, tội ấy cũng nhiều. Tuy trốn khỏi tội Dương gian, chớ tránh sao cho khỏi luật Âm phủ.
Tần Quảng Vương phán:
– Phạt nó đầu thai làm trâu mười một kiếp, mà trừ tội bốc thuốc hại mười một mạng người.
—————
Phán, quan đọc án kế:
– Họ Lý ở huyện Thần Châu, chuyên nghề làm mai mối. Miễn có tiền là làm hết, khi thì dụ giỗ, lừa gạt con gái nhà lành, mai mối cho chúng thành ở đợ, làm vợ bé mà chẳng chút động lòng thương. Đến mức làm mai con nít cho ông già, cột mối bà già cho trai nhỏ, bọn chúng ấm ức, tức mình phát bệnh mà chết hết bảy người, vì không thể sinh đẻ nối dõi được.
Tần Quảng Vương phán:
– Bởi tội ngươi nói láo mà dụ giỗ gạt người, nên bị án nặng. Truyền cắt lưỡi, bẻ răng, bỏ vào ngục đời đời, cho các oan hồn bớt ấm ức.
—————-
Phán quan đọc án kế:
– Họ Phùng ở huyện Miễn Dương, là tên tá điền, năm nào cũng giấu bớt lúa mà kiếm chút đỉnh. Nếu năm nào mà trúng mùa, thì đem lúa ngâm nước một đêm mới đong lúa cho chủ ruộng để kiếm thêm tiền. Chủ điền tức mình, đòi ruộng lại cho người khác thuê, nó nhờ thầy kiện không chịu giao. Đến khi làm ra lẽ, đòi lại được để cho người khác thuê, thì tới lúc gieo mạ, giống lúa sớm nó lén rải lúa muộn vào, hoặc lúa muộn, rải lén lúa sớm vào, lộn xộn khiến cho mất mùa, phải bỏ ruộng cho nó thuê. Tội hung dữ ngang ngược thái quá, không phải tầm thường. Đáng phạt đầu thai làm đứa ăn mày đầu đường xó chợ, mà đền tội ngang tàng kiếp trước.
Họ Phùng tâu:
– Tôi thiết nghĩ, phàm nông dân ruộng rẫy, đều cần kiệm cực nhọc, dù lỡ có tội gì nhỏ mọn cũng đáng rộng lượng bao dung. Vậy xin Vương gia ân xá.
Tần Quảng Vương phán :
– Kẻ lo làm ruộng tay chân mỏi nhọc không nghỉ, ăn uống cực khổ, làm có dư ra thì bán cho đời, thiên hạ đều nhờ. Vậy mới có công với đời, được thế mới tha lỗi nhỏ. Có đâu tham gian, độc ác như ngươi, đừng có nói nhiều chuyện, quỷ sứ dẫn giải đi cho mau.
—————
Phán quan đọc án kế:
– Họ Uông ở huyện Than Âm cha nó ăn chay làm lành, nó chẳng nghe lời cha dạy. Cả đời làm nghề đánh cá, mỗi ngày bắt cá chạch, lươn, tôm, cua đinh, không biết bao nhiêu mà kể. Cha nó có la mắng thì nó cự cãi và mắng lại như ăn cơm bữa, song nó có hiếu với mẹ lắm, mẹ nó bị bệnh, thì lo chạy thang thuốc, nuôi dưỡng hết lòng. Bởi lẽ ấy, nên Táo quân có tâu với Thượng đế xin cho giảm án.
Vua ngó Phán quan mà phán rằng:
– Tên này trái lòng nhân của Thượng đế, vì lòng trời muốn muôn loài sinh ra cho nhiều chứ không muốn giết hại.
Rồi nghiêm mặt, mắng rằng:
– Loài cá trạnh thù oán chi với ngươi, nếu có việc gì phải lẽ như là nuôi ông bà, nuôi cha mẹ, cực chẳng đã bắt mà dùng. Vậy nên đức Khương Tử Nha, câu cá mà lưỡi câu thẳng cũng là thể theo ý trời. Nếu chài lưới đánh bắt như ngươi, mà nhiều người làm theo như vậy, thì tôm cá lươn trạnh tuyệt chủng mất. Nếu tính số mỗi mạng con vật, cho ngươi đầu thai làm súc sinh mà đền mạng, thì muôn đời cũng chẳng dứt nợ oan trái ấy. Lại thêm chuyện mắng cha, tội lớn thấu trời, thôi dẫn qua địa ngục.
Phán quan tâu:
– Vương gia thường trọng chữ hiếu, tên này lúc mẹ bệnh, nuôi dưỡng lo chạy chữa hết lòng, khi mẹ liệt, nó lóc thịt bắp vế mà nấu cháo cho mẹ ăn bồi bổ cầm hơi, cũng nên cấn trừ tội cho nó.
– Bất hiếu với cha, mà chí hiếu với mẹ, thôi thì Trẫm cũng rộng lượng cho cấn trừ. Tính một tội đánh cá, cho đầu thai làm một đứa hung hăng, hai mươi tuổi bị quan xử trảm, rồi xuống đây tính tiếp.
—————–
Phán quan đọc án kế:
– Họ Trần ở Hán Trấn, lòng dạ xảo trá lắm mưu kế, không lo nghề nghiệp làm ăn. Hằng ngày rủ rê con em nhà lương thiện đánh bài bạc mà kiếm tiền, và còn cờ gian bạc bịp nữa, đến nỗi nhiều người tán gia bại sản, mà thói ác vẫn không chừa. Lại lập mưu bắt con gái nhà nghèo làm hầu thiếp. Hai tội nhập một thật rất nặng.
Diêm Vương phán :
– Nghề bài bạc hại người độc hơn nước lửa trộm cướp. Nếu bị thua quá, thì người ta phải bỏ nghề nghiệp, bỏ đường ngay thẳng, gái trai thành ra hư danh thất tiết, tới nỗi tan gia bại sản, liều thân mạng. Ngươi tai mắt không thiếu, đủ tay đủ chân, sao không học nghề nghiệp làm ăn ngay thẳng, mà sống cho qua ngày. Trước làm thiện dân không phạm luật triều đình, sau làm người phải, khỏi ô danh tổ phụ. Nghĩ thế nào lại dùng tai mắt mà làm bậy, lo mưu kế mà gạt người.
Cái thân hữu dụng, lại đem đi gây tội vô cùng. Khác nào: ‘ăn thịt người cho no bụng, phá nhà người để vui lòng’. Cho nên phải trả quả báo. Tuy đã phạt người tuyệt tự, vì tội mưu mô bắt con gái về làm người hầu. Còn tội chứa cờ bạc, không thế nào tha được. Quỷ sứ! Chặt mười ngón, và hai tay, rồi mổ bụng móc tim rút ruột. Xong giam cầm nơi Địa ngục, chưa tính đến chuyện đầu thai.
Họ Trần tâu:
– Tôi tối dạ đi học không được, tập tành bài bạc kiếm tiền dễ hơn. Lỡ vào nghề đó, sinh gian sinh lận. Song ăn thì lấy, thua thi trả, hai bên tình nguyện như nhau. Chứ tôi không giật của người ta, xin Vương gia dung thứ.
– Rủ rê kẻ thật thà, ăn gian ăn lận, dù anh em cũng quyết lột da, huống chi bằng hữu. Khiến người ta mất tiền mất của, ngươi mới hài lòng. Ai dại gì tình nguyện đem của mà cho ngươi, là tại ngươi lập mưu mà gài bẫy, bên ngoài nói lời ngon ngọt, làm như tình nghĩa ruột rà, nào là đãi ăn, nào là phục rượu, nào là đem nữ sắc mà quyến rũ cho mê say. Ấy là trăm mưu ngàn kế mà gạt người, tộc ác dường nấy mà bỏ luật dung tha sao cho được ? Quỷ sứ cứ việc dẫn nó đi.
—————
Phán quan đọc án kế:
– Họ Lý ở huyện Hoành Dương đi lính theo quân Du kích. Còn họ Du, huyện Huỳnh Mai cũng đi lính chuyên cầm cờ đánh trống. Còn họ Thanh cũng ở huyện Huỳnh Mai, là lính pháo thủ của quan đề đốc họ Lý tự Giang Tư. Ba tên ấy đều có đánh trận.
Diêm Vương phán rằng:
– Quân lính trong đội ngũ chinh chiến, tay cầm gươm đao, lòng dạ hung hăng, thắng trận thì bắt hiếp vợ con người ta, thậm chí ăn thịt người nữa. Tội ấy chẳng vừa, đáng quăng lên ngục Đao sơn cho đáng kiếp.
– Riêng họ Thanh lúc phá thành Dương Châu -Phán quan tâu – bắt được ba người mà không giết. Bắt được hai người đàn bà mà chẳng động tới, đều trả lại cho chồng. Hai người chồng đền ơn bạc tiền, y cũng không chịu lấy. Hai khoản ấy phước phần không nhỏ. Huống chi mỗi tháng ngày rằm với mồng một, ăn chay tụng bảy biến kinh Cao Vương.
– Có công đức như vậy, Trẫm cũng đáng kính đáng khen, cấp điệp cho họ Thanh, qua vua Đông Nhạc, mà đầu thai làm chức quan văn thất phẩm, sống bảy mươi chín tuổi, không bịnh mà qua đời, con cháu hai đời đều được công danh vinh hiển. Còn hai hồn linh kia xử y án trước.
————–
Phán quan đọc án kế:
– Nàng Tiền Mẫu Nương ở huyện Gia Ngư, tính hay ghen dữ dội và ngỗ nghịch với cha mẹ chồng.
Diêm Vương phán:
– Nội một tội bất hiếu với cha mẹ chồng, cũng đáng giam trong ngục A tì rồi.
Nàng Mẫu Nương tâu:
– Khi còn sống tôi có ăn chay bố thí nhiều lắm.
– Dầu ăn chay bố thí như vậy, cũng chuộc không nổi tội bất hiếu với cha mẹ chồng. Song nghĩ ngươi ăn chay bố thí, nên tha cho tội xay giã mà thôi, giải qua giam vào Địa ngục mà làm gương cho những nàng dâu ngỗ nghịch.
* Còn tiếp, để xem hết, bạn vui lòm bấm vào đường link bên dưới :
https://www.nhanqua.com.vn/hoi-duong-nhan-qua-42-an-xu-cua-diem-vuong/