ĐẠI THẦN BIẾN
Đức Phật bảo Văn Thù Sư Lợi đại Bồ Tát : “Này Văn Thù Sư Lợi ! Ông nên diễn nói thù thắng thần biến của Như Lai khiến chư Bồ Tát được thâm pháp nhẫn xô dẹp chúng ma, cũng làm cho pháp Bồ đề của Như Lai còn lâu ở thế gian”.
Văn Thù Sư Lợi bạch rằng : “Bạch đức Thế Tôn ! Nếu đức Như Lai đem nước tứ đại hải nơi Tam thiên Đại thiên thế giới để trong lòng bàn tay mà chúng sanh thủy tộc không bị nhiễu động. Thần biến này chưa là thù thắng.
Nếu đức Như Lai ở nơi tất cả pháp chẳng thể ngôn thuyết không danh không tướng không sắc không thanh không hành không tác, không văn tự không hí luận không biểu thị, rời tâm ý thức, dứt tất cả đường ngữ ngôn tịch tĩnh chiếu minh, mà dùng ngữ ngôn khai thị, tất cả thế gian đều chẳng hiểu biết được, Sa Môn Bà La Môn nghe đến kinh sợ. Đây gọi là tối đại thần biến của chư Phật.
Lại nữa, nếu đức Như Lai đem Tam thiên Đại thiên thế giới nạp vào trong miệng, tứ thiên hạ không bị chướng ngại, ánh sáng nhựt nguyệt chẳng bị che khuất vẫn an ở như cũ, chúng sanh trong ấy cũng chẳng hay biết nơi chỗ dời đi. Thần biến này chưa là thù thắng.
Nếu đức Như Lai ở nơi tất cả pháp chẳng thể nói được không văn tự nhẫn đến rời tâm ý thức dứt đường ngữ ngôn tịch tĩnh chiếu minh, mà dùng ngữ ngôn tuyên nói hiển thị. Đây gọi là tối đại thần biến của chư Phật.
Lại nữa, thân bất cộng của Như Lai do nơi thần lực tùy theo chúng sanh thị hiện nhiều thứ thân đều làm cho họ vui mừng. Thần biến này chưa là thù thắng.
Nếu đức Như Lai vô ngã nói ngã, không chúng sanh nói chúng sanh, không nhơn nói nhơn, không dưỡng dục nói dưỡng dục, không danh nói danh, không sắc thọ tưởng hành thức nói sắc thọ tưởng hành thức, không xứ nói xứ, không giới nói giới, dầu nói nhãn không mà nhãn chẳng nói không, dầu nói sắc không mà sắc chẳng nói không, nói nhãn thức không mà thức chẳng nói không, cho đến ý không pháp không và ý thức không cũng như vậy. Như Lai nói pháp vô danh vô tướng vô động vô tri vô ngôn ấy dẹp dứt tất cả tướng sanh diệt. Đây là Như Lai tối đại thần biến.
KINH VĂN THÙ SƯ LỢI SỞ THUYẾT MẬT NGỮ