CỨU NGƯỜI LÚC NGUY KHỐN – SAU ĐƯỢC NGƯỜI CỨU LẠI.
(Trích “Nhân Quả Tập Truyện” – Tác giả: Thiếu Tướng,Tiến Sĩ Nguyễn Chu Phác).
Bố tôi kể lại rằng, quê tôi thời đế quốc Pháp đô hộ, vỡ đê sông Hồng liên tiếp 18 năm. Nhà cửa ngập lụt, mùa màng mất trắng, nhiều người phải lên mặt đê dựng tạm lều bằng rơm, rạ để sống, thậm chí phải trồng khoai, rau trên mặt đê để kiếm cái ăn. Mọi người đói khổ, lầm than.
Lúc ấy, trong làng có một nhà rất giàu còn giữ được rất nhiều lúa gạo. Ngày ngày họ lên đê nấu nồi cháo thật to, có khi nấu cơm rồi nắm thành nắm to bằng hai quả cau rồi sai người mang dọc bờ đê phát chẩn cho mọi người để cứu đói. Có hôm chính ông nhà giàu cùng con trai mang quần áo phát cho những em bé ăn mặc rách dưới. Mọi người quê tôi lúc bấy giờ thường gọi ông là ông “Phát Chẩn” hoặc ông “Sẹo” (vì ông có một cái sẹo rất to ở thái dương).
Năm 1945, dân ta cướp được chính quyền, quê tôi thấy ông là người có tâm nên bầu ông làm Chủ Tịch lâm thời, còn con trai ông làm dân quân.
Mùa xuân năm 1947, giặc Pháp từ Hà Nội tràn về quê tôi đóng bốt. Dân làng đi tản cư, ông “Phát Chẩn” cùng con trai ở lại đánh giặc cùng đội du kích.
Một hôm, giặc Pháp và lính bảo an (lính dõng) đi càn quét, chúng vây bắt được ông, mấy tên phản động trong đội lính dõng nhận ra ông là “Chủ Tịch lâm thời” và chỉ huy du kích.
Trên đường chở về bốt, toán giặc bị du kích làng bên bắn tỉa, chặn đánh. Lính Pháp và bọn tay sai phải chạy dạt vào ven đường nấp vào các bụi dứa dại. Ông “Phát Chẩn” bị một tên lính dõng đẩy ngã dúi vào bụi rậm và cởi trói cho ông rồi rỉ tai nói nhỏ:
– Khi im tiếng súng, bọn Tây và chúng tôi sẽ lên caminhông về đồn thì ông cứ nằm yên ở đây rồi tìm cách trốn thoát nhé!
Người lính dõng còn nói thêm:
– Tôi không bao giờ quên ơn ông, khi gia đình tôi sắp chết đói đã được ông cứu giúp… Ông “Phát Chẩn” ạ!
(Bài viết từ face book Thiện Như)