Bồ Tát đối với các sự việc nên dùng tâm bình đẳng thông đạt các pháp bình đẳng. Phải nghĩ rằng: đối với các chúng sanh ta chẳng nên sân hận,chẳng nên thương nhớ.
Tại vì sao? Vì ghét thương hai thứ đều là phiền não.
Nay ở đây ta chẳng nên sanh lòng yêu thương, ta phải khéo thông đạt các pháp đúng thật. Ở trong các phiền não, chỗ hoà hiệp của ái duyên là tối trọng, phiền não này ăn sâu đến xương tủy. Nghĩa là ở trong pháp hay sanh kiết sử tâm ái nhiễm trước, đối với sự ái trước nếu chẳng sanh vừa ý thì sẽ sanh sân hận. Do đây mà biết sân hận là quả của ái nhiễm, còn tham ái là quả của ngu si. Nay ta phải xa rời tâm ác ái nhiễm, đối với các pháp không hề tham trước.
Ta chẳng vì tham dục mà học, ta chẳng vì sân hận mà học, ta chẳng vì ngu si mà học. Ta phải rộng học các pháp chơn thật. Đối với các pháp tướng thì quan sát đúng như thật, theo đúng như lời mà tu hành như thật. Chỉ nên y chỉ nghiệp báo, đối với các sự bị hại và cúng dường đều phải biết đó là nhơn lành của nghiệp duyên thuể trước, vì thế nên ở trong sự tuỳ thuận chẳng sanh mừng thích, trong sự trái nghịch chẳng sanh sân hận, chỉ giữ lòng thanh tịnh không hề thương ghét, chẳng để tâm mình theo các pháp ác tham sân si.
KINH ĐẠI BẢO TÍCH